Gốm Thanh Hà – kết hợp giữa truyền thống và hiện đại
Giữa lòng phố cổ Hội An đã 'tân thời' hơn do chịu ảnh hưởng của làn việc làm du lịch, vẫn có một ngôi làng cổ nép bên dòng Thu Bồn: làng gốm sứ Thanh Hà với tuổi đời hơn 500 năm. Nơi đây không chỉ duy trì được việc làm gốm đậm nét truyền thống độc đáo, mà còn được cho là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa quý giá của Việt Nam.
Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà năm 2023 này là dịp “song hỷ lâm môn” đối với làng gốm Thanh Hà khi hai trong năm cơ sở gốm truyền thống lâu đời nhất của làng – cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Ngữ và cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thủy – được Nhà nước tôn vinh là cơ sở sản xuất tốt và có đóng góp quan trọng vào việc duy trì nghề gốm truyền thống.
Duy trì hàng gốm dân dụng, thúc đẩy hàng gốm thiết kế
Ông Nguyễn Ngữ, 86 tuổi, là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất làng. Cả gia đình ông, gồm vợ và hai con đều theo nghề gốm. Xưởng gốm nhà ông cũng là nơi có nhân công nhiều nhất Thanh Hà mà phần lớn là những nghệ nhân lành nghề với kinh nghiệm hàng chục năm trở lên.
Ông tâm sự: “Dù hiện nay, lượng khách du lịch đến với làng gốm không ổn định nhưng chúng tôi vẫn duy trì sản xuất những sản phẩm phục vụ đời sống. Nhu cầu của người tiêu dùng khá đa dạng nên việc sản xuất cũng phải đổi mới để làm ra nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu”.
Nằm sâu bên trong làng, xưởng gốm của ông Nguyễn Ngữ vẫn được nhiều du khách tìm đến vì “tiếng làng đồn xa”. Xưởng chủ yếu vẫn làm đồ truyền thống bằng phương thức thủ công, như chum, lọ, nồi đất. Hiện nay, mỗi sản phẩm gốm được ông bán ra với giá trung bình từ 30.000-50.000 đồng, được phân phối đến nhiều đại lý trên các tỉnh, thành lân cận như Huế, Quảng Ngãi…
Cùng với đó là nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ dành cho du khách đến tham quan chiêm ngưỡng và mua làm quà. Trung bình mỗi tháng, xưởng cho ra lò khoảng 1.000-1.500 sản phẩm với ít nhất 25 mẫu khác nhau.
Với lượng sản phẩm này có thể nói cơ sở của ông Ngữ là nơi làm gốm có năng suất cao nhất làng. Trong đó, những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật tạo tác cao, như tượng gốm, chum vại phong thủy, phù điêu đắp nổi để trang trí các công trình, tường… sẽ do đích thân những thợ gốm giàu kinh nghiệm thực hiện.
Đặc biệt, một tác phẩm được xem là minh chứng cho quá trình giữ lửa nghề của hộ ông Nguyễn Ngữ nói riêng và bà con làng gốm Thanh Hà nói chung là đèn gốm. Đèn gốm được chế tác và sử dụng từ thời xa xưa. Với chất liệu đất nung nâu, đèn gốm được thiết kế rỗng bên trong, có nhiều hình dáng như hình trụ tròn, vuông, ngũ giác, lục giác, bảo vệ bóng đèn bên trong và có nhiều khe để ánh sáng tỏa ra bên ngoài. Thường có hai loại là đèn trụ và đèn tường.
Nghệ nhân phải làm sao cho khi đèn gốm được thắp sáng, nhìn từ bên ngoài sẽ nổi bật hình dáng của đèn. Ánh sáng tỏa ra bên ngoài không sáng chói mà cũng không tối mờ. Đây cũng là sản phẩm mỹ nghệ được những hộ dân làm gốm như ông Ngữ mang đến những cuộc thi chế tác gốm nhiều nhất vì giá trị thời gian cũng như giá trị nghệ thuật của nó.
Cũng chính vì thế mà cơ sở ông Ngữ còn được xem là nơi lưu giữ nhiều ký ức dân gian, những giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề. Đến nay, ông Ngữ không chỉ truyền dạy lại nghề gốm cho hai con của mình mà còn đích thân truyền dạy cho cháu của ông – một thế hệ tiếp nối nữa nghề truyền thống gia đình.
Nếu xưởng ông Nguyễn Ngữ có tiếng với dòng gốm độc đáo, tinh xảo thì xưởng gốm của bà Nguyễn Thị Thủy – 58 tuổi với hơn 35 năm kinh nghiệm chuốt gốm – lại chuyên về các dòng gốm dân dụng. Dù cơ sở không nhiều thợ nhưng lò nung ở đây vẫn luôn đỏ lửa, vẫn đều đặn cho ra những mẻ nung đẹp nhất, chất lượng nhất.
Trải qua bao khó khăn, bao lần không đủ kinh phí duy trì, bao lần vất vả đi tìm đầu ra cho gốm Thanh Hà chỉ với giá thành vài chục ngàn đồng một sản phẩm, chị Thủy vẫn quyết giữ lấy nghề. Chị chủ động tìm kiếm, kết nối trực tiếp với những cơ sở ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… để tiêu thụ sản phẩm, thu hút được lượng khách hàng tương đối.
Làng gốm Thanh Hà hiện có 23 hộ làm gốm chính, trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống, 5 hộ làm gốm mỹ nghệ và 95 thợ gốm gồm thợ làm đất, thợ chuốt, thợ đẩy, thợ lò… Hiện nay, nhiều gia đình có con em đi học đại học rồi cũng theo tiếng gọi tổ nghề để quay lại đạp khuôn, nặn đất. Các bạn trẻ này thổi hồn vào sản phẩm, sáng tạo và cho ra nhiều tác phẩm gốm độc đáo, hợp thời.
Làng gốm cũng là điểm đến du lịch
Nắm bắt sự phát triển của truyền thông, du lịch phố cổ, từ năm 2001, người làng Thanh Hà cũng nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ thương mại, du lịch với hàng chục ngàn sản phẩm gốm các loại.
Hầu hết các cơ sở cũng dần chuyển từ sản xuất gốm dân dụng sang gốm mỹ nghệ và vật phẩm lưu niệm kết hợp trình diễn nghề. Theo đó, thành phố đã có phương án chỉnh trang và tạo cảnh quan môi trường làng nghề. Đặc biệt, kết quả của phương án chỉnh trang này chính là Công viên đất nung Thanh Hà do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế.
Đây được xem là “Thanh Hà thu nhỏ”, là nơi trưng bày gốm có quy mô lớn nhất ở trong nước với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã. Anh Nguyễn Kim Chiến, một người dân ở phường Thanh Hà, cho biết: “Dù đây là sản phẩm từ ý tưởng của một cá nhân nhưng là biểu tượng ước mơ, niềm tự hào của tất cả người dân làng gốm Thanh Hà, minh chứng cho hành trình phát triển và giữ được văn hóa truyền thống của làng gốm”.
Hơn nữa, nơi đây còn thực hiện giảm thiểu các lò nung gạch ngói bằng thủ công, thay vào đó là những lò nung điện có công suất cao hơn, giảm đáng kể ô nhiễm bụi và khói nhằm phát triển nghề làm gốm. Bà Nguyễn Thị Thu – cơ sở sản xuất gốm Nguyễn Ngữ – cho biết:
“Hiện nay chúng tôi vẫn kết hợp làm gốm dân dụng với gốm mỹ nghệ và biểu diễn chế tác, vì gốm dân dụng hiện giờ gặp nhiều khó khăn về đầu ra nhưng nó là cái cốt của gốm Thanh Hà. Việc phát triển du lịch của Hội An cũng như phường Thanh Hà cùng với công nghệ lò nung mới và những sản phẩm gốm mỹ nghệ giúp chúng tôi được du khách đón nhận nhiều hơn”.
Cũng áp dụng những đổi mới để nghề gốm được song hành cùng thời đại, chị Nguyễn Thị Thủy (cơ sở sản xuất gốm Thị Thủy) cũng tận dụng bàn xoay điện thay cho bàn xoay thủ công. Chị chia sẻ: “Tận dụng như thế này giúp tăng năng suất hơn, cũng thuận tiện cho việc biểu diễn khi có du khách đến tham quan và trải nghiệm do cơ sở của tôi không nhiều nghệ nhân”.
Có thể thấy gốm Thanh Hà đã mang những thiết bị công nghệ vào quy trình sản xuất để có thể nâng hiệu suất sản xuất, trong khi vẫn duy trì các kỹ thuật làm gốm truyền thống, vốn đặc sắc của làng gốm Thanh Hà.
Chính quyền thành phố Hội An cũng chú trọng các dự án bảo tồn và khai thác tiềm năng di sản văn hóa, gắn kết các hoạt động trưng bày, triển lãm và tổ chức lễ hội, du lịch để gốm cổ Thanh Hà luôn được song hành với thời đại.
Du khách khi đến với Hội An sẽ được chứng kiến tận mắt một làng gốm Thanh Hà với hình ảnh các nghệ nhân làm ra những tuyệt tác, cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm, cũng đã không ít sản phẩm của làng được theo chân du khách “xuất ngoại” vì sự đặc biệt của nó.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai thêm nhiều trại sáng tác, thu hút nhiều nghệ nhân trong nước và quốc tế về giao lưu, trao truyền những kinh nghiệm” – bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao – Truyền thanh Truyền hình thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gom-thanh-ha-ket-hop-giua-truyen-thong-va-hien-dai/