Gồng mình chống dịch tả heo Châu Phi
Với tổng đàn heo toàn huyện là 60 ngàn con, huyện Châu Thành là một trong những địa phương có số lượng heo lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày qua, dịch tả heo Châu Phi đã làm cho người chăn nuôi của địa phương rơi vào tình trạng đứng ngồi không yên.
Theo số liệu được cập nhật đến ngày 14/6, huyện Châu Thành đã tiêu hủy trên 129 tấn heo nhiễm bệnh. Đáng nói là tình hình dịch bệnh tại địa phương vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và đang diễn biến rất phức tạp.
Dịch tả heo Châu Phi tạo thành hiệu ứng domino
Ngày 25/5/2019, huyện Châu Thành phát hiện trường hợp đầu tiên heo bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi và khoảng 20 ngày qua, bệnh dịch tả heo Châu Phi đang lây lan rất nhanh tại địa phương. Hiện có hơn 100 hộ chăn nuôi có heo nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy.
Cho biết về nguyên nhân khiến dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp trong những ngày qua tại huyện Châu Thành, ông Võ Đình Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành cho rằng: “Khác với các tỉnh miền Đông, đặc thù chăn nuôi heo tại huyện Châu Thành là nuôi theo hình thức hộ gia đình, tập trung trong cùng một khu vực. Giữa các trại chăn nuôi heo không có khoảng cách cách ly an toàn sinh học, thường sát cạnh nhau, nhà liền nhà, trại liền trại, lại sử dụng chung một nguồn nước... Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra tại địa bàn sẽ lây lan nhanh, tạo thành hiệu ứng domino”.
Ngoài ra, phần lớn nông hộ tại địa phương đều phát triển chăn nuôi heo kết hợp với sản xuất bột. Bà con tận dụng cặn bột để chăn nuôi heo, đây được xem là nguồn kinh tế quan trọng của họ. Khi dịch tả heo Châu Phi nổ ra, kinh tế của nhiều gia đình rơi vào tình trạng điêu đứng.
Anh Bùi Văn Tám ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung tâm sự: “Trước khi dịch tả heo “quật chết” gần cả 100 con heo của tôi thì gia đình đã hết sức cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Cả chuồng có khoảng 100 con heo đủ mọi lứa, trong đó có hơn 20 con heo nái đang mang bầu, gầy dựng lâu lắm mới được bầy heo như vậy. Nó là cả gia tài của gia đình. Nhìn cảnh phải tiêu hủy chúng, tôi không cầm được nước mắt, dù gì nghề này đã gắn bó với nhà tôi mấy chục năm qua”.
Không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi, dịch tả heo Châu Phi còn khiến bà con chăn nuôi heo huyện Châu Thành nói riêng và người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung trăn trở trong việc tìm kiếm mô hình chuyển đổi chăn nuôi phù hợp, bởi người chăn nuôi không thể tái đàn ngay sau khi trại heo bị dịch bệnh tấn công.
Bày tỏ về khó khăn này, anh Bùi Văn Tám tâm sự: “Làm bột bây giờ lời lãi bấp bênh lắm, chủ yếu tận dụng cặn bột để nuôi heo. Lãi nhờ con heo, thời điểm này heo chết hết cũng chưa biết nuôi con gì để thay thế. Hiện tại, chỉ còn biết trông chờ Nhà nước và ngành thú y định hướng”.
Gồng mình chống dịch
Hơn 20 ngày qua, Nhà Văn hóa ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung trở thành “căn cứ chiến lược” của lực lượng ứng phó và phòng, chống dịch tả heo Châu Phi xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành.
Anh Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung tâm sự: “Hơn 20 ngày qua, anh em ở đây không biết đến ngày thứ bảy hay chủ nhật là gì. Có những ngày heo chết nhiều, anh em vẫn nhiệt tình ở lại xử lý cho xong, đến 8 - 9 giờ tối mới về nhà. Lực lượng của chúng tôi có khoảng hơn 30 người, chia làm 3 đội. Hai đội phụ trách cân và di chuyển heo lên phương tiện, đội còn lại ở tại chỗ để thực hiện khâu chôn lấp và xử lý. Do địa bàn rộng, những ngày qua, số lượng heo bị chết tăng đột biến, song chúng tôi vẫn cố gắng đến nhà hộ chăn nuôi có heo bệnh để xử lý nhanh gọn, không để gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Dù mệt mỏi nhưng anh em vẫn cố gắng hỗ trợ người dân”.
Nhiệt tình quẩy bình phun thuốc sát trùng phun xịt khắp mọi nơi tại khu vực chôn lấp heo nhiễm bệnh, nhiều người không nghĩ anh Nguyễn Văn Thái chỉ là cộng tác viên thú y của xã Tân Phú Trung. Mặc dù không còn trong biên chế của UBND xã Tân Phú Trung mà chỉ là cộng tác viên thú y cho địa phương nhưng gần 20 ngày qua, Thái là một trong những người túc trực xuyên suốt, đồng hành cùng người dân địa phương ứng phó với đại dịch trên con heo.
Anh Thái chia sẻ: “Có những ngày heo chết nhiều, em phải ở lại bãi chôn lấp tới 8 - 9 giờ tối mới về tới nhà. Cực thì có nhưng nhìn cảnh heo của bà con bị chết, thiệt hại kinh tế lớn, họ còn khổ hơn mình. Chỉ mong dịch tả heo Châu Phi mau chóng được khống chế và sớm có vắc-xin để người chăn nuôi bớt khổ”.
Việc phòng, chống dịch tả heo Châu Phi không là chuyện riêng của Nhà nước hay ngành thú y mà đây là trách nhiệm của toàn dân. Để khống chế và dập dịch hiệu quả, ngoài việc khai báo nhanh chóng, tiêu hủy heo bệnh, không buôn bán, vận chuyển, tiêu dùng heo bị nhiễm bệnh, không rõ xuất xứ cũng là cách mà người dân chung tay với Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành vừa trao tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo Châu Phi. 17 hộ ở 2 xã Tân Phú Trung và Hòa Tân được trao hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng, số lượng là 696 con heo, tổng trọng lượng 38.308kg. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ theo qui định với đơn giá 38 ngàn đồng/kg. Tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện Châu Thành đã có 9 xã, thị trấn bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi, qua đó ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy theo qui trình 2.362 con heo với tổng trọng lượng hơn 208.200kg.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/gong-minh-chong-dich-ta-heo-chau-phi-85027.aspx