Goni trở thành 1 trong 6 cơn bão tăng cấp nhanh nhất lịch sử, dự báo vào Việt Nam hôm 4/11
Bão Goni tưởng chừng sẽ yếu đi trước khi đổ bộ, nhưng nó bất ngờ tăng cấp thành siêu bão, trở thành cơn bão mạnh nhất năm 2020. Nếu theo đúng đường đi dự báo, siêu bão Goni sẽ vào Philippines và sau đó là Việt Nam.
Siêu bão Goni khiến giới khí tượng choáng váng khi bùng nổ thành cơn bão mạnh nhất năm 2020, đạt đến Cấp độ 5, với tốc độ gió 289km/ giờ ở vùng biển phía Đông Philippines.
Theo dự báo, Goni sẽ đổ bộ vào Luzon (Philippines) vào ngày mai, đạt Cấp độ 4 (tốc độ gió 157 - 200km/ giờ). Goni sẽ qua rất gần thủ đô Manila với gió Cấp độ 1 (63 - 87km/ giờ) hoặc mạnh hơn.
Theo giới khí tượng thì Goni có sự tăng cường độ đặc biệt dữ dội: Từ một vùng áp thấp với sức gió 48km/ giờ thành siêu bão với sức gió 282km/ giờ (tăng thêm 233km/ giờ) chỉ trong 54 tiếng đồng hồ. Theo tài khoản nghiên cứu khí tượng Sam Lillo, thì trong dữ liệu bão nhiệt đới toàn cầu, từng chỉ có 5 cơn bão đã đạt mức tăng thêm 233km/ giờ trong 54 tiếng hoặc ít hơn. Đó là bão Vera (1959), bão Linda (1997), bão Zoe (2002), bão Wilma (2005), bão Patricia (2015).
Theo Trung tâm Cảnh báo bão chung (JTWC) của Mỹ thì Goni sẽ yếu đi sau khi đổ bộ, nhưng vẫn là bão Cấp độ 4 với sức phá hủy nghiêm trọng, tốc độ gió 233km/ giờ khi vào Luzon (Philippines) ngày 1/11.
Điều mà nhiều người đang lo ngại là bão Goni sẽ áp sát thành phố đông dân cư Manila. Với khả năng này, Goni có thể là một thảm họa lớn. Cơn bão gần nhất đi sát Manila (cách 40km) là bão Rammasun (2014, ở Philippines gọi là bão Glenda), Cấp độ 2 với sức gió 169km/ giờ. Nó được gọi là cơn bão “hao người tốn của” thứ 3 trong lịch sử Philippines, khiến 106 người thiệt mạng, gây thiệt hại 885 triệu đôla (hơn 20 nghìn tỷ đồng), làm mất điện 90% thành phố.
Các nhà nghiên cứu khí tượng cho rằng, sau khi băng qua Philippines, Goni ít có khả năng tăng cấp độ lần nữa. Goni được dự báo sẽ vào Việt Nam ngày 4/11.
Siêu bão Goni gia nhập danh sách 3 cơn bão Cấp độ 5 trên Trái Đất vào năm 2020, bao gồm bão Amphan (gió 257km/ giờ ở Bắc Ấn Độ Dương vào tháng 5) và bão Harold (gió 265km/ giờ ở Đông Nam Thái Bình Dương vào tháng 4).
Thục Hân
(Theo Yale Climate Connections)