Google bắt đầu xóa tin tức để phản đối luật bảo vệ báo chí ở California
Google của Alphabet đã bắt đầu xóa tin tức của các tổ chức truyền thông và báo chí California (Mỹ), để phản đối đạo luật đang chờ xử lý được gọi là Đạo luật Bảo tồn Báo chí California (CJPA).
Năm ngoái, chính quyền bang California đã đưa ra Đạo luật Bảo tồn Báo chí California, theo đó yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội như Google và Meta, phải trả “phí sử dụng báo chí” hàng tháng cho tác phẩm xuất hiện trên các nền tảng và dịch vụ của họ.
Khoản phí này sẽ được xác định thông qua quy trình phân xử do một hội đồng gồm ba thẩm phán quyết định - dựa trên doanh thu quảng cáo hàng tháng của các nền tảng (như Facebook hay Google Tin tức).
Dự luật đã được Hạ viện California thông qua vào giữa năm ngoái và hiện đang được Ủy ban Tư pháp Thượng viện tiểu bang xem xét. Thượng viện California sẽ phải thông qua nó vào cuối năm nay để nó trở thành luật.
Meta cũng đã phản ứng cứng rắn trước đạo luật này, nói rằng họ có thể rút lại hoàn toàn tin tức ở bang mà chính là nơi gã khổng lồ công nghệ này được khai sinh. Google trong một bài đăng trên blog vào tuần trước đã viết rằng Đạo luật Bảo tồn Báo chí California đang gây nguy hiểm cho hệ sinh thái tin tức.
Thông báo của Google viết: “Nếu được thông qua, CJPA có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với các dịch vụ mà chúng tôi có thể cung cấp cho người dân California và lưu lượng truy cập mà chúng tôi có thể cung cấp cho các hãng tin ở California”.
Hành động của Google không phải là mới, vì công ty này và Meta từng thực hiện những động thái tương tự ở Úc và gần đây hơn là ở Canada. Úc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực sự ban hành luật buộc các công ty công nghệ lớn (Big Tech) phải trả tiền cho tin tức.
Trong vụ việc ở Úc, ban đầu cả Alphabet và Meta đều đã phản đối đạo luật đột phá này vào năm 2020 và 2021. Facebook đã loại bỏ tất cả tin tức địa phương và quốc tế trên nền tảng của mình (bao gồm cả Instagram) ở Úc.
Chỉ sau khi thương lượng lại, Facebook mới đồng ý trả tiền cho các bài báo xuất hiện trên nền tảng của mình ở Úc. Google cũng ký các thỏa thuận tương tự thông qua Google News Showcase.
Hoàng Hải (theo Google, Silicon)