Google, Facebook, TikTok âm thầm theo dõi, định hướng người dùng?

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, tăng trưởng GDP từ kinh tế số không hề dễ dàng, khi các nền tảng công nghệ không được sản sinh để làm chủ từ chính quốc gia nào.

Cảnh báo, những khó khăn thách thức truyền thống và phi truyền thống đặc biệt trong dài hạn đang dần hiện hữu, áp lực lên động lực tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình khi tiến trình già hóa dân số, biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay khủng hoảng nguồn năng lượng hóa thạch đang ngấm dần đến các nền tảng đang được gia cố, xây dựng, vì thế, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), chuyển đổi số để hình thành kinh tế số, xã hội số với nền tảng là cơ sở dữ liệu trở thành nguồn động lực quan trọng cho tăng trưởng, cũng là công cụ phục vụ đắc lực cho quản trị quốc gia.

“Google, Facebook âm thầm theo dõi, định hướng người dùng”

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Bình Dương, chuyển đổi số với công nghệ nền phải được thực hiện thế nào để không những đem lại hiệu quả cho quản trị, mà còn đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị, an ninh kinh tế trong bối cảnh các nền tảng Google, Facebook và gần đây là TikTok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp, chế tác lại hành vi người dùng. Các nhà khoa học đã gọi nó là chủ nghĩa tư bản giám sát.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Ảnh: quochoi.vn)

Cho rằng, nhất cử, nhất động của người dùng đã bị giám sát bởi các nền tảng được gắn mác miễn phí cùng vô số các thiết bị dính lỗ hổng bảo mật. Đây cũng là vấn đề mà đại biểu đã từng cảnh báo ở kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII khi tham gia góp ý cho dự luật an toàn thông tin mạng.

Theo đại biểu, từ những thao tác tưởng chừng vô hại trên Google, Facebook, TikTok, hay nhấn like, share, thả tim lên các dòng trạng thái, tin nhắn, cuộc gọi, người dùng đã tự phơi bày những gì riêng tư nhất trước thanh thiên bạch nhật bởi hành vi theo dõi, phân tích hết sức tinh vi của “tư bản giám sát” đến từng tầng nhận thức của người dùng. Khi có được dữ liệu hành vi, thói quen, sở thích, đến từng nhịp tim, bước chân, các nền tảng sẽ đóng gói các dữ liệu thông tin trên bán cho các nhà sản xuất và quảng cáo, qua đó định hướng hành vi và gợi ý xem, nghe, đọc, mua sắm, hình thành một thị trường hành vi, ở đó các nền tảng không chỉ hiểu người dùng còn hơn chính bản thân họ, mà còn can thiệp, điều chỉnh hành vi để người dùng dần đi theo ý đồ của họ.

Đại biểu cho rằng, nhìn vào giá trị vốn hóa của Google, Facebook để thấy, các nền tảng có thực sự nhân văn, miễn phí vô điều kiện hay thông qua nó, một loại tư liệu sản xuất mới ra đời, đó là hành vi người dùng. Chúng ta không còn lạ gì khi trên Google xuất hiện tựa đề một cuốn sách thì ngay sau đó trên màn hình rất nhiều quảng cáo những quyển sách tương tự lần lượt hiện ra.

“Điều đó đã cho thấy những gì thầm kín, riêng tư của người dùng đều bị mở toang trước từng cái click chuột. Miền tâm thức thiêng liêng của con người đã bị xâm lăng bởi các thuật toán AI. Chúng ta nghĩ rằng mình đang tìm kiếm và hồ hởi khai thác những kho tàng kiến thức trên G nhưng thực chất, chính G đang tìm kiếm hành vi của chúng ta, thử hỏi ai bóc lột ai?”.

Đại biểu phân tích và dẫn chứng tiếp: “Không dừng lại ở đó, ngoài việc nhóm những người dùng có cùng hành vi, sở thích, các nền tảng trên còn gợi ý giới thiệu những người này đến với nhau, phong trào “Mùa xuân Arab” là một điển hình; các dòng trạng thái từ thay đổi chính trị Ai Cập, các clip biểu tình, bình luận chính trị ở nước này lan khắp thế giới, thu hút hàng triệu lượt người xem”.

"Dữ liệu hành vi công dân của quốc gia nằm trong tay các "nhà tư bản"

“Với những gì đã và đang diễn ra, các diễn đàn quốc tế lo ngại cho sự thay đổi quyền lực nhà nước khi thông tin hành vi và định hướng hành vi công dân của quốc gia, chính là nguyên liệu cho quản trị lại nằm trong tay các nhà tư bản này”.

Thông tin như trên, đồng thời cho rằng nếu kết nối 72 triệu người Việt đang trải nghiệm hơn 2 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội và 7 giờ ở đối tượng thanh niên thuộc top đầu thế giới, đại biểu cho rằng liệu đã đến lúc phải gióng hồi chuông báo động hay chưa trong khi các nền tảng này vẫn từng ngày được gia cố bởi các thuật toán thông minh hơn để thu hút sự chú ý của người dùng lâu nhất có thể, đồng thời đánh vào lỗ hổng tâm lý như mong muốn được khen tặng hay nỗi sợ bị từ chối, đã đẩy người xem rơi vào cảm giác tự ti, đố kỵ, tìm mua những sản phẩm được gợi ý để không “thua chị kém em”, thì có mối liên hệ nào giữa những điều đó với tỷ lệ bệnh rối loạn tăng động, trầm cảm, lo âu và những ca tư vấn sức khỏe, tâm thần cứ tăng dần hiện nay.

Nhấn mạnh những tích cực từ nền tảng số là không thể phủ nhận, nhưng theo đại biểu, tăng trưởng GDP từ kinh tế số không hề dễ dàng, khi an ninh phi truyền thống vẫn còn là ẩn số và các nền tảng công nghệ lại không được sản sinh để làm chủ từ chính quốc gia nào.

Làm gì để giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng mà Đại hội XIII đã chỉ rõ?

Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, việc tập trung sửa đổi Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ thông tin mật, quyền riêng tư thật ra cũng chỉ là bước đầu. Để định hình một xã hội số, với những công dân số, để phát triển kinh tế số, thì việc quản lý xã hội trong đời thực thế nào đòi hỏi cũng phải định hình để thể chế quản lý công dân trên xã hội số như thế.

“Quản trị quốc gia gắn liền với chuyển đổi số sẽ không thể mang hết ích lợi, hiệu quả cho Nhà nước và người dân để trở thành động lực mới cho tăng trưởng, nếu chúng ta không có những ứng phó kịp thời trước những nền tảng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/google-facebook-tiktok-am-tham-theo-doi-dinh-huong-nguoi-dung-903656.vov