Google yêu cầu chính phủ Mỹ phá vỡ thỏa thuận đám mây giữa Microsoft với OpenAI

Google yêu cầu chính phủ Mỹ phá vỡ thỏa thuận độc quyền cho phép Microsoft lưu trữ công nghệ OpenAI trên các máy chủ đám mây của mình, trang The Information đưa tin.

Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) hỏi Google về các hoạt động kinh doanh của Microsoft như một phần cuộc điều tra chống độc quyền rộng hơn, The Information cho biết, trích dẫn một người trực tiếp tham gia thảo luận.

Các hãng công nghệ cạnh tranh với Microsoft trong việc cho thuê máy chủ đám mây, chẳng hạn Google và Amazon, cũng muốn lưu trữ các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI để khách hàng không cần truy cập vào máy chủ Microsoft mới có thể tiếp cận công nghệ từ công ty khởi nghiệp Mỹ này, theo The Information.

The Information đưa tin các công ty mua công nghệ của OpenAI thông qua Microsoft có thể phải chịu khoản phí bổ sung nếu chưa sử dụng máy chủ Microsoft để vận hành hoạt động của mình.

Google và các đối thủ cạnh tranh khác đã nhấn mạnh rằng những chi phí mới này sẽ gây hại cho khách hàng, báo cáo cho biết.

Microsoft, Google, OpenAI và FTC chưa phản hồi câu hỏi của hãng tin Reuters về chuyện này.

Hồi tháng 1.2023, Microsoft cho biết đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho OpenAI.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói thời điểm đó: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Google và Amazon cũng muốn lưu trữ các mô hình AI do OpenAI phát triển trên máy chủ đám mây của mình - Ảnh: Internet

Google và Amazon cũng muốn lưu trữ các mô hình AI do OpenAI phát triển trên máy chủ đám mây của mình - Ảnh: Internet

Cuối tháng 11, FTC đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền rộng rãi với Microsoft, gồm cả các hoạt động cấp phép phần mềm và điện toán đám mây của công ty, theo Reuters.

Cuộc điều tra đã được Chủ tịch FTC - Lina Khan chấp thuận trước khi bà có khả năng sẽ rời đi vào tháng 1.2025. Việc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và dự kiến ông sẽ bổ nhiệm đảng viên Cộng hòa khác làm Chủ tịch FTC có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với doanh nghiệp khiến kết quả cuộc điều tra vẫn chưa rõ ràng.

FTC đang xem xét các cáo buộc rằng Microsoft có khả năng lạm dụng sức mạnh thị trường của mình trong phần mềm năng suất bằng cách áp dụng các điều khoản cấp phép khắc nghiệt để ngăn khách hàng chuyển dữ liệu của họ từ dịch vụ đám mây Azure sang các nền tảng cạnh tranh khác. Ngoài ra, FTC đang điều tra các hoạt động liên quan đến an ninh mạng và sản phẩm AI của Microsoft, nguồn tin cho biết.

Các đối thủ cạnh tranh đã chỉ trích hoạt động của Microsoft mà họ cho là khiến khách hàng bị khóa chặt vào dịch vụ đám mây Azure. FTC đã tiếp nhận những khiếu nại như vậy vào năm ngoái khi xem xét thị trường điện toán đám mây.

NetChoice, nhóm vận động hành lang đại diện cho các hãng cạnh tranh với Microsoft trong lĩnh vực điện toán đám mây như Amazon và Google, đã chỉ trích các chính sách cấp phép của Microsoft và việc tích hợp các công cụ AI vào Office, Outlook.

"Do Microsoft là công ty phần mềm lớn nhất thế giới, thống trị trong lĩnh vực phần mềm năng suất và hệ điều hành, nên quy mô và hậu quả của các quyết định cấp phép của công ty là vô cùng to lớn", nhóm này nhấn mạnh.

Vào tháng 9, Google đã khiếu nại lên Ủy ban châu Âu về các hoạt động của Microsoft, nói rằng công ty này bắt khách hàng phải trả mức giá cao hơn 400% để tiếp tục chạy Windows Server trên nhà khai thác điện toán đám mây đối thủ, cung cấp cho họ các bản cập nhật bảo mật chậm hơn và hạn chế hơn.

FTC đã yêu cầu Microsoft cung cấp nhiều thông tin chi tiết. Cơ quan này đã tuyên bố có thẩm quyền về các cuộc điều tra với Microsoft và OpenAI liên quan đến cạnh tranh trong lĩnh vực AI, đồng thời bắt đầu xem xét thỏa thuận trị giá 650 triệu USD của Microsoft với công ty khởi nghiệp Inflection AI.

Microsoft từng là ngoại lệ với chiến dịch gần đây của các cơ quan quản lý chống độc quyền Mỹ nhằm chống lại các hành vi được cho là phản cạnh tranh từ các hãng công nghệ lớn.

Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook), Apple và Amazon đều bị Mỹ cáo buộc duy trì độc quyền bất hợp pháp. Alphabet (công ty mẹ Google) đang phải đối mặt với hai vụ kiện, trong đó có một vụ thẩm phán phát quyết rằng Google vi phạm luật bằng cách ngăn cản cạnh tranh giữa các công cụ tìm kiếm trực tuyến.

Satya Nadella từng làm chứng tại phiên tòa xét xử Google, nói rằng gã khổng lồ tìm kiếm này đã sử dụng các thỏa thuận độc quyền với các nhà xuất bản để kiểm soát nội dung được sử dụng trong việc đào tạo AI.

Không rõ liệu ông Trump có nới lỏng với các hãng công nghệ lớn hay không, chính quyền đầu tiên của ông đã tiến hành một số cuộc điều tra họ.

JD Vance, Phó tổng thống Mỹ đắc cử, từng bày tỏ lo ngại về quyền lực mà các công ty này nắm giữ với diễn ngôn công khai.

"Chính quyền Trump là bên thực thi luật chống độc quyền một cách quyết liệt", Andre Barlow (luật sư của hãng Doyle Barlow & Mazard, cho biết. Ông lưu ý rằng chính quyền này từng đệ đơn kiện Google và Facebook.

"Khi chính quyền thay đổi, các cơ quan không nhất thiết phải hủy bỏ các cuộc điều tra đang diễn ra", Andre Barlow nói thêm. Ông lưu ý rằng "những thay đổi trong chính quyền có thể dẫn đến ưu tiên thực thi khác nhau và thay đổi cách thức giám sát chặt chẽ một số loại hành vi nhất định".

Tuy nhiên, Microsoft từng được hưởng lợi từ các chính sách của ông Trump trong quá khứ.

Năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao cho Microsoft hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỉ USD mà Amazon từng kỳ vọng lớn sẽ giành được. Amazon sau đó cáo buộc rằng ông Trump đã gây áp lực không đúng mực lên các quan chức quân đội để chuyển hợp đồng khỏi đơn vị Amazon Web Services của mình.

Cuối tháng 10, Microsoft công khai cáo buộc Google tiến hành "chiến dịch ngầm" để phá hoại hoạt động kinh doanh của mình và gây ảnh hưởng đến quy định về điện toán đám mây tại châu Âu.

Động thái này đánh dấu bước leo thang trong sự cạnh tranh giữa hai tập đoàn công nghệ Mỹ.

Trong bài đăng trên blog hôm 29.10, Rima Alaily (Phó tổng cố vấn của Microsoft) cáo buộc Google thiết kế một nhóm có tên Liên minh Đám mây Mở để làm thay đổi bối cảnh quản lý theo hướng có lợi cho các dịch vụ đám mây của họ. Nhóm này gồm Google và một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây nhỏ hơn.

"Một nhóm do Google tổ chức sẽ ra mắt. Nhóm này được tạo ra để làm mất uy tín của Microsoft với các cơ quan cạnh tranh và nhà hoạch định chính sách, đồng thời đánh lừa công chúng. Google phải trải qua rất nhiều nỗ lực để che giấu sự tham gia, tài trợ và quyền kiểm soát của mình, đáng chú ý nhất là bằng cách tuyển dụng một số ít nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở châu Âu để làm bộ mặt đại diện cho tổ chức mới", Rima Alaily nói.

Một phát ngôn viên Google chia sẻ với trang Insider rằng công ty đã "công khai" những lo ngại liên quan đến việc cấp phép đám mây của Microsoft.

"Chúng tôi và nhiều người khác tin rằng các hoạt động chống cạnh tranh của Microsoft đã khóa chặt khách hàng và tạo ra những tác động tiêu cực về sau, tác động đến an ninh mạng, đổi mới và lựa chọn", người phát ngôn Google tuyên bố.

Nicky Stewart, cố vấn cấp cao của Liên minh Đám mây Mở, nói với Insider rằng nhóm này minh bạch về các thành viên của mình.

"Chúng tôi không chống lại bất kỳ công ty nào. Chúng tôi là một liên minh ủng hộ thị trường tập trung vào việc thúc đẩy các nguyên tắc sẽ củng cố thị trường dịch vụ đám mây ở châu Âu, chủ yếu là tính cởi mở và khả năng tương tác. Bất kỳ công ty nào chia sẻ những giá trị này, quan tâm đến một thị trường đám mây lành mạnh và phát triển mạnh mẽ đều nên tham gia cùng chúng tôi", Nicky Stewart nói.

Lời cáo buộc công khai của Microsoft là bước đi bất thường có thể báo hiệu sự căng thẳng ngày càng gia tăng với Google.

Tháng 9, Google đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền với Microsoft lên Ủy ban châu Âu, cáo buộc đối thủ sử dụng các hoạt động cấp phép chống cạnh tranh để buộc các công ty phải tiếp tục sử dụng cơ sở hạ tầng đám mây Azure của mình.

Hai hãng công nghệ lớn của Mỹ cạnh tranh trên nhiều thị trường, gồm cơ sở hạ tầng đám mây, tìm kiếm, AI và phần mềm năng suất. Microsoft đã vượt qua Google về doanh số bán hàng đám mây.

Vụ kiện từ Elon Musk

Ngoài Google, Microsoft–OpenAI đối mặt thách thức pháp lý từ Elon Musk.

Giữa tháng 11, Giám đốc điều hành Tesla đã mở rộng vụ kiện chống lại OpenAI, bổ sung các cáo buộc liên bang về chống độc quyền và khiếu nại khác, đồng thời thêm Microsoft là bị đơn.

Vụ kiện sửa đổi của Elon Musk, được nộp hôm 15.11 tại tòa án liên bang ở thành phố Oakland (bang California, Mỹ), cáo buộc rằng Microsoft và OpenAI đã tìm cách độc quyền hóa thị trường AI tạo sinhmột cách bất hợp pháp và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.

Giống khiếu nại ban đầu của Elon Musk vào tháng 8, đơn kiện mới cáo buộc OpenAI và Giám đốc điều hành Samuel Altman vi phạm các điều khoản hợp đồng bằng cách đặt lợi nhuận lên trên lợi ích công cộng trong nỗ lực thúc đẩy AI.

“Chưa từng có công ty nào chuyển từ một tổ chức phi lợi nhuận miễn thuế sang gã khổng lồ vì lợi nhuận trị giá 157 tỉ USD, làm tê liệt thị trường, chỉ trong vòng 8 năm”, nội dung đơn kiện nêu rõ. Vụ kiện yêu cầu hủy bỏ giấy phép của OpenAI với Microsoft và buộc họ phải hoàn trả những khoản lợi nhuận "bất chính".

“Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Microsoft đã leo thang. Ánh sáng mặt trời là chất khử trùng tốt nhất”, Marc Toberoff (luật sư của Elon Musk) cho biết trong một tuyên bố.

Elon Musk từ lâu đã chỉ trích OpenAI, công ty khởi nghiệp mà ông đồng sáng lập và nay trở thành gương mặt đại diện của AI tạo sinh nhờ được Microsoft đầu tư ít nhất 13 tỉ USD.

Elon Musk đang nổi lên như một nhân vật quan trọng trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trump đã bổ nhiệm Elon Musk vào vai trò lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nhằm cắt giảm lãng phí chính phủ, sau khi Giám đốc điều hành Tesla đổ hơn 130 triệu USD vào cuộc bầu cử để ủng hộ ông và đảng Cộng hòa.

Vụ kiện mở rộng từ Elon Musk cáo buộc OpenAI và Microsoft vi phạm luật chống độc quyền bằng cách ràng buộc cơ hội đầu tư vào họ bằng các thỏa thuận không hợp tác với các đối thủ khác. Đơn kiện cũng cho rằng thỏa thuận cấp phép độc quyền giữa OpenAI và Microsoft tương tự một vụ sáp nhập không có sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Trong một tuyên bố, OpenAI cho biết vụ kiện mới nhất của Elon Musk "thậm chí còn vô căn cứ và quá đáng hơn những vụ trước đó". Microsoft từ chối bình luận.

Trong hồ sơ nộp lên tòa án vào tháng 10, OpenAI đã cáo buộc Elon Musk theo đuổi vụ kiện như một phần của "chiến dịch ngày càng hung hăng nhằm quấy rối OpenAI để giành lợi thế cạnh tranh cho riêng mình", yêu cầu thẩm phán liên bang ở thành phố Oakland bác bỏ đơn kiện từ tỷ phú giàu nhất thế giới.

“OpenAI cam kết phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) một cách an toàn và có lợi. Elon Musk từng ủng hộ OpenAI trong sứ mệnh đó, nhưng đã từ bỏ khi nỗ lực thống trị của ông ta gặp thất bại”, OpenAI viết trong hồ sơ của họ.

AGI là một dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hoặc vượt trội con người. Không giống như AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo.

Elon Musk thành lập xAI vào năm 2023 để cạnh tranh với OpenAI.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/google-yeu-cau-chinh-phu-my-pha-vo-thoa-thuan-dam-may-giua-microsoft-voi-openai-227006.html