Google, YouTube, Netflix... phải nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam
Nhà cung cấp nước ngoài hoạt động thương mại điện tử không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam sẽ chịu thuế VAT 5%, thu nhập doanh nghiệp 10%. Nếu trốn thuế, Việt Nam sẽ tiến hành truy thu...
Tổng cục Thuế sẽ "điểm mặt" nhà cung cấp ở nước ngoài trốn thuế trên Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài từ ngày 21/3.
Tổng cục Thuế cho biết theo dự kiến ngày 21/3 sẽ ra mắt Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam đăng ký, khai, nộp thuế, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất để nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện thuận lợi chính sách pháp luật thuế.
NHÀ CUNG CẤP NƯỚC NGOÀI PHẢI NỘP THUẾ TRỰC TUYẾN
Đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, đến thời điểm này việc xây dựng, vận hành thử nghiệm cổng thông tin điện tử đã hoàn thành và sẵn sàng vận hành chính thức.
Sau khi đi vào vận hành, tất cả các giao dịch từ đăng ký, kê khai, nộp thuế… được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thông qua cổng thông tin và các nhà cung cấp ở nước ngoài không phải nộp hồ sơ bản cứng đến cơ quan thuế Việt Nam.
"Khi đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế lần đầu thông qua cổng thông tin. Đồng thời, phải đảm bảo điều kiện có khả năng truy cập và sử dụng internet, có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp", đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn lưu ý.
Các thủ tục được xác thực bằng mã xác thực giao dịch điện tử. Mã sẽ được gửi về email mà nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký với cơ quan thuế Việt Nam khi thực hiện đăng ký thuế lần đầu và đăng ký thay đổi thông tin (nếu có).
Đồng thời, nhà cung cấp ở nước ngoài chỉ được đăng ký 1 địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, cổng thông tin gửi thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế vào địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký để thực hiện các thủ tục về thuế trên cổng thông tin.
Mã số thuế đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế.
Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký thuế trực tiếp theo Mẫu số 01/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này trên cổng thông tin.
Trường hợp thay đổi thông tin đăng ký thuế theo Mẫu số 01-1/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I của thông tư cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trên cổng thông tin. Để xác thực khi đăng ký thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý cấp qua cổng thông tin nhà cung cấp ở nước ngoài.
Theo Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, đối với việc khai thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện khai thuế theo quý, mẫu số 02/NCCNN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.
Số thuế tính nộp bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.
Thuế suất của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Về hình thức nộp thuế, đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn cho biết, đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do Tổng cục Thuế thông báo.
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam thì được thực hiện thủ tục miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo quy định.
Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước, đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do Tổng cục Thuế gửi. Người nộp thuế khai thuế bằng đồng ngoại tệ nào thì nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi đó.
TRUY THU NHÀ CUNG CẤP NƯỚC NGOÀI TRỐN THUẾ
Cũng theo quy định tại Thông tư 80, có 4 đối tượng chính liên quan trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cụ thể, thứ nhất, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Thứ ba, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Thứ tư, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thông tư số 80 cũng quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế ở Việt Nam có quyền phối hợp với cơ quan thuế ở nước ngoài để trao đổi, đôn đốc nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế, truy thu thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài nếu chứng minh được nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế không đúng thực tế.
Theo đó, Tổng cục Thuế là cơ quan thuế quản lý thuế trực tiếp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, có trách nhiệm cấp mã số thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định, tiếp nhận tờ khai thuế và thực hiện các công việc có liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Tổng cục Thuế có trách nhiệm cập nhật danh sách các nhà cung cấp nước nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký thuế, kê khai thuế trên cổng thông tin.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch phát sinh tại Việt Nam.
Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện và các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không tuân thủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.