Góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp 'trồng người'

Được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành trong môi trường quân đội là niềm vinh dự, tự hào của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ trong các học viện, nhà trường BĐBP. Với sức trẻ và nhiệt huyết của mình, các giảng viên đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp 'trồng người', đào tạo ra nhiều cán bộ 'vừa hồng, vừa chuyên' cho lực lượng BĐBP. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, phóng viên Báo Biên phòng lược ghi những ý kiến tâm huyết về công tác giảng dạy của một số giảng viên trẻ đang công tác tại các học viện, nhà trường trong BĐBP.

Đại úy Phạm Thị Phương Mai, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Học viện Biên phòng: Ứng dụng thành quả công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Là giảng viên môn Công nghệ thông tin, tôi luôn xây dựng bài thực hành sát với thực tiễn công tác của BĐBP. Ví dụ, cập nhật vào bài giảng những biểu mẫu văn bản, biên bản, kế hoạch, thống kê... của BĐBP theo Thông tư của Bộ Quốc phòng quy định về kỹ thuật soạn thảo văn bản hành chính trong Bộ Quốc phòng; xây dựng các bài giảng dưới dạng trình chiếu theo các chủ đề: Tuyên truyền về BĐBP; Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; người thầy giáo mang quân hàm xanh; người thầy thuốc mang quân hàm xanh. Đồng thời, hướng dẫn học viên ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, thống kê các hoạt động nghiệp vụ của BĐBP...

Thượng úy Nguyễn Hưng Giang, giảng viên Khoa Cơ bản, Trường Trung cấp 24 Biên phòng: Áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng.

Trong môi trường quân đội, giáo viên không chỉ là người nắm chắc kiến thức mà còn phải là người có phương pháp truyền đạt hiệu quả và nội dung kiến thức cần gắn với thực tiễn, để học viên áp dụng trong quá trình công tác và chiến đấu. Là giảng viên bộ môn Tin học - Ngoại ngữ, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đưa kiến thức liên quan đến thực tế công tác của lực lượng BĐBP vào nội dung bài học. Cụ thể, đối với bộ môn tiếng Anh, tôi tập trung hướng dẫn học viên rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để có thể sử dụng tiếng Anh cơ bản trong quá trình công tác cũng như đời sống hằng ngày. Đối với bộ môn Tin học, tôi chú trọng vào việc rèn luyện các kỹ năng sử dụng máy tính trong việc soạn thảo các văn bản hành chính đúng thể thức.

Trong quá trình công tác, nhờ sự quan tâm của chỉ huy các cấp, tôi luôn được tham gia các lớp, các khóa học nâng cao kiến thức chuyên môn và trình độ nghiệp vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cụ thể, tôi đã tham gia các lớp học, thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS, lớp phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Australia. Kết quả các lớp và các khóa học, tôi đều đạt loại tốt.

Thượng úy Phạm Văn Cường, giảng viên Bộ môn Vũ thuật đặc nhiệm, Khoa Quân sự chung, Trường Trung cấp Biên phòng 1: Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện thực hành với thực tiễn trên các tuyến biên giới, biển đảo.

Trước tình hình thực tế trên các tuyến biên giới, biển đảo thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, tôi đã tham mưu cho cấp trên điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp cho các đối tượng học viên. Đặc biệt, tăng thời gian thực hành, giảm thời gian học tập lý thuyết, huấn luyện thực hành sát với thực tiễn trên các tuyến biên giới, biển đảo. Phát huy tính chủ động của người học, kết hợp giữa động tác thị phạm và kỹ thuật mô phỏng trên ứng dụng công nghệ thông tin. Khơi dậy sự đam mê tập luyện võ thuật trong học viên, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của võ thuật trong thực thi nhiệm vụ.

Hiện nay, nhà trường đã kịp thời bổ sung những tình huống chiến đấu vào bài giảng sát với thực tế tình hình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng BĐBP. Huấn luyện ngày kết hợp với huấn luyện đêm, huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp, huấn luyện đa dạng trên mọi địa hình và trong mọi tình huống. Điều này giúp cho các học viên sau khi ra trường, công tác trên các tuyến biên giới, biển đảo luôn chủ động trong mọi tình huống.

Bản thân tôi luôn yêu nghề, đam mê và tích cực tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn, nêu cao tinh thần tự tập luyện, là tấm gương để học viên noi theo. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, nội dung mới để đưa vào huấn luyện. Tôi cũng sâu sát đến từng học viên để nắm bắt được khả năng của từng người, nhìn nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của lớp học để từ đó có những phương pháp huấn luyện hiệu quả hơn.

Thượng úy Lô Văn Lâm, giảng viên Bộ môn Pháp luật chuyên ngành, Trường Trung cấp Biên phòng 2: Phát huy vai trò của người học.

Để khắc phục việc truyền đạt những kiến thức lý thuyết vốn khô khan, khó nhớ cho học viên, tôi đã thiết kế bài giảng thông qua xây dựng các tình huống sát với tình hình thực tiễn. Khi đó, học viên có thể vào vai nhân vật, đặt mình vào tình huống giả định để giải quyết vấn đề. Từ đó, học viên bắt buộc phải suy nghĩ và tiếp thu bài giảng nhanh chóng hơn, tiếp cận gần hơn với thực tế, khi ra trường dễ dàng áp dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, địa bàn công tác. Đồng thời, tôi luôn phát huy vai trò của học viên trong việc tự chủ động nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Muốn làm được điều đó, giảng viên phải đầu tư nhiều hơn vào bài giảng thông qua việc xây dựng các video, mô hình học cụ...

Thời gian tới, tôi sẽ kiên trì áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin. Với những nỗ lực đó của mình, tôi hy vọng rằng, các học viên trong trường sẽ được tiếp cận với khoa học công nghệ nhiều hơn. Tôi cũng mong muốn, các học viện, nhà trường trong BĐBP sẽ được tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, nhất là công nghệ thông tin, để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thùy Trang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gop-cong-suc-tri-tue-vao-su-nghiep-trong-nguoi-post435266.html