Góp giải pháp tháo gỡ những vướng mắc

Trong buổi chiều của ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu HĐND dành nhiều thời gian thảo luận tổ, tập trung tìm giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong 6 tháng cuối năm 2020. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tại các tổ.

GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHẠM VĂN CƯỜNG: Sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non

Trong 6 tháng đầu năm, Sở GD-ĐT tỉnh tập trung chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Trong thời gian phòng chống dịch, nhiều trường tổ chức các hoạt động thiện nguyện như chế tạo và tặng cho các cơ quan, đoàn thể dung dịch rửa tay khô; vận động tặng quà và hơn 40 tấn gạo cho nhân dân gặp hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh… Ngành cũng đã linh động tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình và có các hình thức ôn tập phù hợp; đồng thời điều chỉnh, giảm tải nội dung dạy học ở học kỳ II năm học 2019-2020.

Khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay đó là UBND tỉnh chưa thực hiện được định biên giáo viên, nhân viên theo Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Do vậy, tình trạng thiếu giáo viên mầm non để tổ chức các nhóm trẻ và trẻ 3-4 tuổi ra lớp chưa được khắc phục.

Sở GD-ĐT kiến nghị UBND tỉnh sắp xếp, bố trí và điều chỉnh giáo viên, khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ. Đặc biệt, sớm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 06 nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên mầm non để giảng dạy trẻ dưới 5 tuổi; tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên theo Công văn 5378/BNV-CCVC, ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ. Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 và thi tốt nghiệp THPT năm 2020; tăng cường chỉ đạo, đầu tư và kiểm tra công nhận trường chuẩn quốc gia các cấp học theo kế hoạch đã đề ra.

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH TRẦN CÔNG HOAN: Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng

6 tháng qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững. Tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương theo kế hoạch; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân của tỉnh. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; công tác tư pháp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế như: tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả ba tiêu chí; hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống đối với một số loại tội phạm chưa cao; tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước còn chậm… Để góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trên biển, tuyên truyền vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản xâm phạm vùng biển của nước khác. Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống các loại tội phạm; đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng bảo kê các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng cho vay nặng lãi. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ nhân dân.

BÍ THƯ HUYỆN ỦY SÔNG HINH LƠ MÔ TU: Đầu tư, hỗ trợ các địa phương miền núi

Thời gian qua, nhất là từ đầu năm đến nay, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tăng trưởng. Tỉnh đã tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các loại giống cây trồng, vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Các chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất… ở các địa phương miền núi tiếp tục được tỉnh quan tâm nên tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương này có chiều hướng tốt.

Tuy nhiên, ở các huyện miền núi, nhất là Sông Hinh, tình trạng bệnh khảm lá trên cây sắn đã bùng phát nhiều năm nay, ảnh hưởng đến năng suất, khiến hoạt động sản xuất của nông dân không đạt hiệu quả. Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh khảm lá sắn bùng phát. Địa phương mong muốn UBND tỉnh và Sở NN-PTNT có giải pháp khắc phục dịch bệnh này, đồng thời đưa các giống sắn có sức chống chịu sâu bệnh và có năng suất chất lượng cao để nông dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các loại nông sản của nông dân miền núi cũng đang gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh. Đề nghị tỉnh sớm có định hướng, đưa ra các giải pháp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định.

Việc đầu tư bê tông hóa đường giao thông nông thôn, thời gian qua được tỉnh triển khai đạt nhiều kết quả tốt, tuy nhiên tại một số địa phương miền núi vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông, vì vậy tỉnh nên tiếp tục kéo dài chương trình này. Đối với việc thu hút đầu tư ở các địa phương miền núi hiện nay còn nhiều hạn chế, cần quan tâm và kết nối để các địa phương thu hút được nhiều dự án

CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHÚ HÒA LÊ NGỌC TÍNH: Quan tâm đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phú Hòa là địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng lựa chọn trọng tâm, trọng điểm; thu hút, tạo điều kiện các nhà đầu tư triển khai dự án lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Địa phương đã xây dựng nhiều mô hình, tập huấn kỹ thuật, sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Trong đó, cây lúa được tập trung sản xuất theo hướng sử dụng giống xác nhận, áp dụng cơ giới hóa, triển khai chương trình IBM và ICM nhằm giảm giá thành các khâu sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng. Phú Hòa cũng đã quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung như cây lúa, cây khóm và chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, địa phương cũng đã xác định một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh của mình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng…

Trên địa bàn huyện có Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là thuận lợi góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển. Tuy nhiên, hồ chứa nước Lỗ Chài 1 chưa đáp ứng đủ nước tưới cho khoảng 460ha đất khu nông nghiệp này nên tỉnh cần triển khai giai đoạn 2 và xây dựng hồ chứa nước Lỗ Chài 2.

Ngoài nỗ lực của địa phương, tỉnh cần hỗ trợ cho huyện khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân nhằm phát triển theo hướng bền vững hơn; quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến nông sản, trong đó có việc xây dựng nhà máy chế biến khóm Đồng Din.

Tổ PV (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/242017/gop-giai-phap-thao-go-nhung-vuong-mac.html