Góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhận thức rõ công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa xác định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức và thực hiện VSATTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội, góp phần 'Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc'.
Trước thực trạng người sản xuất sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì trồng rau theo phương pháp an toàn là hướng đi cần thiết. Ðể khuyến khích hội viên phụ nữ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần bảo đảm VSATTP, tháng 11-2017, Hội LHPN thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã xây dựng mô hình "Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn do phụ nữ làm chủ", tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp an toàn.
THT sản xuất rau ở thị trấn Vạn Hà hiện có 20 thành viên, với tổng diện tích 3,2 ha trồng các loại rau theo mùa. Tham gia THT, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về khung thời vụ, cách chăm sóc cây trồng khoa học, vệ sinh môi trường chung quanh vùng sản xuất. Các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng đều không được sử dụng, thay vào đó, các thành viên trong tổ giúp nhau từ khâu chọn đất trồng, nguồn nước tưới, phân bón, đầu tư lưới để hạn chế sâu bệnh, rủi ro trong sản xuất. Chị Trịnh Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vạn Hà chia sẻ: "Ðầu ra sản phẩm được hội LHPN huyện và thị trấn đấu mối, tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ nhập cho các bếp ăn tập thể, gian hàng thực phẩm an toàn và được các thương lái đến thu mua tại ruộng".
Qua thực tế, sản xuất rau an toàn đã mang lại thu nhập cao hơn cho hội viên. Chị Vũ Thị Hiền, Tổ trưởng THT cho biết: "Trước đây, chị em làm việc còn manh mún, chưa nêu cao được vai trò của mình trước cộng đồng và gia đình. Ðến nay, thành viên nào có sản phẩm đến ngày thu hoạch, chúng tôi đều thông báo về thời gian để các hộ chủ động thu gom, nếu gia đình thành viên thiếu lao động, THT sẽ vận động thành viên khác đến giúp để tập trung sản phẩm về một đầu mối nhập cho đơn vị. Qua đó, giúp cho chị em hội viên yên tâm và thực hiện nghiêm quy trình sản xuất".
Từ nhiều năm nay, cơ sở sản xuất chế biến miến gạo của gia đình chị Nguyễn Thị Phường (xã Ðông Văn, huyện Ðông Sơn) là một trong những cơ sở sản xuất miến sạch, được người dân trong xã và các vùng lân cận đón nhận. Ðể làm ra được những sợi miến trắng trong, thơm ngon, gia đình chị Phường dựa trên bí quyết gia truyền, hoàn toàn không sử dụng hàn the, chất tẩy trắng cũng như những hóa chất độc hại. Các công đoạn như chọn gạo, ngâm, xay bột, chạy sợi, phơi… đều được làm cẩn thận, kỹ lưỡng và sạch sẽ. Thương hiệu miến gạo của gia đình chị Nguyễn Thị Phường đã được thị trường đón nhận. Chị Nguyễn Thị Phường cho biết: "Gia đình tôi làm miến được hơn 36 năm, đây là nghề cổ truyền của ông cha để lại, cho nên tôi luôn lấy tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, không sử dụng chất cấm trong chế biến".
Các cấp Hội phụ nữ Thanh Hóa đẩy mạnh hướng dẫn hội viên, phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; vận động phụ nữ tham gia mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ đây, nhiều mô hình mới theo quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả được Hội LHPN các cấp chỉ đạo xây dựng, như: "Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm do phụ nữ làm chủ", "THT sản xuất rau hữu cơ tại xã Ðịnh Bình" (huyện Yên Ðịnh), "THT trồng cà gai leo thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến"... Từ việc tham gia các mô hình, nhiều hội viên, phụ nữ cơ sở đã thể hiện ý chí tự chủ, mạnh dạn và năng động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hầu hết các mô hình kinh tế của hội viên, phụ nữ cơ sở đều có sự tham gia quản lý, giám sát của cán bộ thôn, chi tổ, hội về quy mô phát triển nghề, lao động, hiệu quả sản xuất.
Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt VSATTP, phối hợp các ngành chức năng tăng cường, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; duy trì hoạt động các mô hình VSATTP… để mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trở thành hạt nhân tích cực, tiên phong phát triển kinh tế bền vững gắn với chú trọng sức khỏe gia đình và cộng đồng.