Góp phần bảo tồn nhạc ngũ âm của người Khmer Tây Ninh

Sự phát triển của nhạc ngũ âm trong cuộc sống hiện đại góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở các phum, sóc.

Các nghệ nhân người Khmer biểu diễn nhạc ngũ âm trên đỉnh núi Bà Đen.

Các nghệ nhân người Khmer biểu diễn nhạc ngũ âm trên đỉnh núi Bà Đen.

Trải qua nhiều thập kỷ, người Khmer Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng đã hun đúc nên những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong kho tàng văn hóa ấy, nhạc ngũ âm (Phlang Pưn Piết) được xem là “tài sản” quý giá nhất của đồng bào Khmer. Sự phát triển của nhạc ngũ âm trong cuộc sống hiện đại góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở các phum, sóc.

Độc đáo dàn nhạc ngũ âm

Nhạc cụ ngũ âm là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ, thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền. Nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, bảo đảm các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Là dàn nhạc lễ nên có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng trong những hoạt động tín ngưỡng cụ thể.

Trước đây, dàn nhạc ngũ âm chỉ được sử dụng trong các ngày đại lễ tại chùa (Lễ cầu phước, Lễ dâng bông…) và ngày tết như Sene Dolta, Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Lễ dâng y hoặc sử dụng trong đám tang. Đến nay, nhạc ngũ âm đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống, mang tính giải trí cao, từ liên hoan mừng công và trình diễn trong các hoạt động văn hóa.

Dàn nhạc ngũ âm tổng hợp từ 5 loại chất liệu đồng, sắt, gỗ, da và hơi với 9 loại nhạc: Đàn thuyền (Rô-Niết ek, Rô-Niết-thung), bộ trống (Kha so-somphô, Sakho-thôm), đàn cò và bộ trống Chhay-dăm, bộ cồng lớn và nhỏ (Pét-Kuong-Thôn, Ro-Niết-Đek), đàn Tà-Khê, đàn Khưm, kèn Srô-lây (2 loại Srô-lây-Tôck (kèn nhỏ) và Srô-Lây-thung (khèn lớn).

Trong đó, Rôneat-ek là nhạc cụ chủ đạo, có vai trò dồn bè. Dàn nhạc ngũ âm có thể thiếu một vài nhạc cụ nhưng không thể thiếu cặp đàn Rôneat-ek, Rô-neat-thung, Cuông-tuôch, Cuông-thôm và cặp trống lớn thì mới hội đủ điều kiện diễn tấu.

Đặc biệt, dàn nhạc ngũ âm còn phối hợp hài hòa với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn a dây hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thực hiện cho các điệu múa sa dăm, rom vong, lâm thôn, múa dù kê…

Mỗi bộ trong dàn nhạc ngũ âm còn có thể có nhiều hơn nếu có thêm người chơi nhạc. Mặt khác, các nhạc cụ trong dàn nhạc này còn được tách ra để độc tấu nhằm khai thác tối đa tính độc đáo trong âm thanh của từng nhạc cụ và thể hiện khả năng biểu diễn của từng nhạc công.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy- thuyết minh viên Bảo tàng Tây Ninh cho biết: “Có thể xem dàn nhạc ngũ âm và múa trống Chhay-dăm là biểu tượng đặc trưng, nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Khmer tại Tây Ninh.

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã mang dàn nhạc ngũ âm đi trưng bày, triển lãm ở các chương trình, liên hoan như: trưng bày nhạc cụ ngũ âm, nhạc cụ đờn ca tài tử phục vụ Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XX năm 2022 tại tỉnh Tây Ninh; triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III- Cần Thơ 2022, chủ đề: “Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử”; triển lãm Ngày hội Văn hóa đồng bào các dân tộc Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022”.

Một điệu múa truyền thống của người Khmer trên đỉnh núi Bà Đen.

Một điệu múa truyền thống của người Khmer trên đỉnh núi Bà Đen.

Thưởng thức nhạc ngũ âm ở độ cao 986m

Từ đầu Xuân Quý Mão 2023, Sun World Ba Den Mountain đã đem những màn biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống từ múa Khmer, trống Chhay-dăm đến trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer lên đỉnh núi Bà, phục vụ khách du lịch.

Những buổi biểu diễn nhạc ngũ âm với âm điệu vui tươi, điệu múa truyền thống uyển chuyển của người Khmer đã mang lại sự thích thú, thư giãn cho du khách. Anh Lê Anh Duy- một du khách đến từ tỉnh Bình Phước chia sẻ, lần đầu tiên đến tham quan đỉnh núi Bà Đen, anh choáng ngợp bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, các công trình tâm linh và không khí mát mẻ nơi đây.

Đặc biệt, trong dịp lễ hội xuân núi Bà còn được thưởng thức tiết mục biểu diễn nhạc ngũ âm và điệu múa truyền thống của người Khmer. “Chương trình góp thêm phần sôi động cho mùa lễ hội, tôi thật sự ấn tượng với tiết mục này”- anh Duy cho biết.

Về quá trình phục dựng dàn nhạc ngũ âm của người Khmer Tây Ninh, bà Đào Thị Việt- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh cho biết, Sun World Ba Den Mountain đã ấp ủ việc phục dựng dàn nhạc ngũ âm, múa Khmer và biểu diễn trống Chhay-dăm từ nhiều năm trước.

Để có thể phục dựng dàn nhạc ngũ âm chính xác, đơn vị tham khảo ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Điều khó khăn nhất trong việc phục dựng dàn nhạc ngũ âm chính là phải tìm được nghệ nhân biểu diễn mỗi loại nhạc cụ, tập hợp lại thành một dàn nhạc hoàn chỉnh.

Trong quá trình tìm tòi, bộ phận nghệ thuật của Sun World Ba Den Mountain may mắn gặp chị Cao Thị Thu Loan, con gái của nghệ nhân nổi danh Nguyễn Thị Ngọc Yến- người được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan văn hóa trong tỉnh và của chị Thu Loan, Sun World Ba Den Mountain đã mời được toàn bộ nghệ nhân người Khmer cho dàn nhạc. Do các nghệ nhân sinh sống phân tán ở nhiều nơi, mỗi người lại có những công việc riêng, thuyết phục các nghệ nhân về biểu diễn tại Sun World Ba Den Mountain chỉ có thể bằng tâm huyết, tình yêu với loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian này.

Sau rất nhiều tháng nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu từng phần nhạc cụ chính của ngũ âm, bộ phận nghệ thuật của Sun World Ba Den Mountain cùng với chị Thu Loan và các nghệ nhân cho ra mắt 6 tác phẩm diễn tấu truyền thống được hòa âm phối khí đặc sắc.

6 bản diễn tấu này được đánh giá là vẫn giữ vẹn nguyên nét truyền thống lại thêm phần hòa quyện, liền mạch. Kết hợp với màn múa Khmer và trống Chhay-dăm, tiết mục thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh hấp dẫn người xem.

Bà Đào Thị Việt- Phó Giám đốc Công ty CP Mặt trời Tây Ninh cho biết việc phục dựng dàn nhạc ngũ âm còn hướng đến việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, biến những giá trị văn hóa trong dân gian thành sản phẩm du lịch hấp dẫn bền vững.

Ngọc Bích - Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gop-phan-bao-ton-nhac-ngu-am-cua-nguoi-khmer-tay-ninh-a155024.html