Góp phần cải cách hành chính
Xác định việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là một giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhằm hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số.
Với sự hướng dẫn của công chức địa chính xã, chỉ sau vài thao tác trên chiếc điện thoại smartphone, hồ sơ thủ tục làm giấy khai sinh cho con ruột của ông Bàn Văn Hùng, thôn Đèo Tế, xã Hùng Đức (Hàm Yên) đã được gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Ông Hùng chia sẻ, trước đây muốn làm thủ tục gì thì mất khá nhiều thời gian, đến nhiều cơ quan để giải quyết. Giờ đây thì mọi thủ tục đều nhanh gọn, tiện lợi chỉ với một chiếc điện thoại nhờ quy trình nộp hồ sơ trực tuyến.
Cũng như Hùng Đức, nhiều xã trên địa bàn huyện Hàm Yên, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa đều nỗ lực nộp trực tuyến 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân. Đồng chí Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân chia sẻ, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, xã luôn có các cán bộ, công chức trực tại bộ phận một cửa tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Xã cũng đã đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính, đường truyền internet đảm bảo nhanh, thuận tiện cho giao dịch trực tuyến.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Yên Sơn tích cực áp dụng, triển khai các sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính. Đồng thời chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của người đứng đầu trong cải cách hành chính... UBND huyện đã cung cấp hơn 180 dịch vụ công mức độ 3 và 45 dịch vụ công mức độ 4, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt trên 82%.
Anh Ma Văn Linh, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, để thuận lợi cho người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, xã biên soạn và in tờ hướng dẫn từng bước cụ thể để người dân thực hiện theo. Cán bộ xã luôn hướng dẫn nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Trong quá trình thực hiện, khó khăn là một số người già không sử dụng điện thoại thông minh, chưa tiếp cận công nghệ thông tin; giải pháp là có con cháu đi cùng hỗ trợ để kích hoạt tài khoản cá nhân.
Với quan điểm xuyên suốt “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc”, thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Trung tâm đã triển khai thực hiện niêm yết, công khai danh mục thủ tục hành chính bằng hình thức mã QRCode của 20/20 cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc triển khai thu phí, lệ phí tập trung bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, thanh toán bằng mã QR Pay. Bên cạnh đó, hơn 1 năm nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai áp dụng ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả, có trên 5.000 người chọn quan tâm ứng dụng, trên 20.000 tin nhắn thông báo trạng thái xử lý hồ sơ đã được gửi tới tài khoản Zalo của người dân, doanh nghiệp.
Chị Ma Thị Minh, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cho biết, chị thi công chức và yêu cầu phải có lý lịch tư pháp. Nếu như trước đây phải đến Sở Tư pháp để làm thủ tục, thì nay có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Khi có kết quả sẽ gửi thẳng đến địa chỉ đã đăng ký và có thông báo trên Zalo. Rõ ràng đây là một tiện ích được người dân tham gia sử dụng và đánh giá cao về giải pháp, hiệu quả.
Xác định dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, gần 300 dịch vụ công mức độ 3 và trên 1.000 dịch vụ công mức độ 4.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/gop-phan-cai-cach-hanh-chinh-190467.html