Góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Nam Định
10 tháng năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Nam Định đạt trên 91%, hoàn thành chỉ tiêu được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Để có kết quả trên, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thành phố Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
10 tháng năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Nam Định đạt trên 91%, hoàn thành chỉ tiêu được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Để có kết quả trên, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thành phố Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các phường, xã tập trung rà soát và thực hiện quy trình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tổ chức hơn 10 hội nghị đối thoại chính sách BHYT tại cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn. Trung tâm Y tế thành phố xây dựng, triển khai hiệu quả công tác nâng cao chất lượng khám, điều trị tại 18 trạm y tế xã, phường và các cơ sở khám, chữa bệnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất các trạm y tế được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Trên địa bàn thành phố hiện có 11 bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 25 trạm y tế phường, xã với tổng số 1.848 cán bộ y tế; 2.300 giường bệnh, đạt 21 bác sĩ và 97,3 giường bệnh/1 vạn dân. Trong đó, bác sĩ 502 người, dược sĩ 153 người, cán bộ y tế xã , phường 167 người; nhân viên y tế thôn xóm, cụm dân cư 161 người được hưởng phụ cấp theo quy định. Bệnh viện tuyến tỉnh có 2.000 giường; Trung tâm Y tế thành phố 120 giường; bệnh viện tư nhân 180 giường. Hoàn thành sáp nhập Bệnh viện thành phố, Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành Trung tâm Y tế thành phố. Chính sách BHXH đối với người lao động, người hưởng chế độ hưu trí mất sức… được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Thực hiện Kế hoạch 136/KH-UBND ngày 16-12-2019 của UBND tỉnh về việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, cải cách chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, UBND thành phố Nam Định xây dựng Kế hoạch 56 ngày 4-6-2020 với các mục tiêu đến hết năm 2020, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 82%. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 95%.
Để thực hiện chỉ tiêu trên, thành phố Nam Định triển khai các giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động gắn với từng nhóm đối tượng cụ thể, có cơ chế quản lý, theo dõi, giao chỉ tiêu phù hợp làm căn cứ đánh giá thi đua hàng năm và giai đoạn khi sơ kết, tổng kết. Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách; chế độ BHXH, BHTN, về quyền lợi và ý nghĩa an sinh xã hội của chính sách, kiến thức pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH đến các tầng lớp nhân dân, hộ gia đình, chủ sử dụng lao động và người lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tổ chức đối thoại, tọa đàm, tham vấn trực tiếp với các nhóm đối tượng tại cơ sở, doanh nghiệp về chính sách BHXH. Tích cực vận động nhân dân tham gia BHXH, chú ý tập trung vào các đối tượng không thuộc diện bắt buộc để vận động tham gia BHXH tự nguyện. Xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên về BHXH tại mỗi địa phương thông qua mạng lưới đại lý thu. Nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan BHXH. Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng phần mềm xử lý nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử đến các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN theo thẩm quyền; đặc biệt là thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp cố tình không đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN. Xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật, chính sách BHXH, BHTN trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra việc thanh toán chi trả các chế độ BHXH, BHTN trong nội bộ ngành. Tập trung kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có số tiền thanh toán các chế độ BHXH chiếm tỷ trọng cao; có biện pháp ngăn ngừa tiêu cực lạm dụng quỹ BHXH, BHTN./.
Bài và ảnh: Việt Thắng