Góp phần đưa công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phát triển nhanh
Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN Hanssip) nằm trên địa bàn xã Ðại Xuyên, huyện Phú Xuyên, cửa ngõ phía nam Thủ đô, được Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng KCN Hanssip theo phương án đầu tư phân kỳ hợp lý, phù hợp khả năng thu hút đầu tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và gắn với quy hoạch xây dựng đô thị dịch vụ, nhà ở công nhân KCN theo quy định.
Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN Hanssip) nằm trên địa bàn xã Ðại Xuyên, huyện Phú Xuyên, cửa ngõ phía nam Thủ đô, được Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng KCN Hanssip theo phương án đầu tư phân kỳ hợp lý, phù hợp khả năng thu hút đầu tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và gắn với quy hoạch xây dựng đô thị dịch vụ, nhà ở công nhân KCN theo quy định.
Sự ra đời của KCN này góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội phát triển nhanh trong thời gian tới.
Khu công nghiệp Hanssip là nơi hội tụ cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước vào sản xuất để hình thành phát triển ngành CNHT, nhất là CNHT cho công nghệ cao (CNC) còn yếu kém của Thủ đô và đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. KCN Hanssip được quy hoạch lên tới 640 ha, trong đó có khoảng 500 ha là KCN và khoảng 140 ha là khu đô thị dịch vụ. KCN Hanssip đã được quy hoạch tại quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các quyết định liên quan. Ðược thiết kế quy hoạch bởi Tập đoàn Nikken Civil của Nhật Bản, đây là KCN đầu tiên của Việt Nam được đầu tư phát triển cho ngành CNHT và do công ty tư nhân 100% của Việt Nam thực hiện. Chủ đầu tư KCN Hanssip là Công ty CP Ðầu tư phát triển N&G - N&G Corp, thành viên của Tập đoàn N&G (N&G Group). Khi đi vào hoạt động ổn định, KCN này sẽ thu hút khoảng 2.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra khoảng 300 nghìn đến 500 nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp cho TP Hà Nội và vùng phụ cận.
Trải qua gần 10 năm khảo sát, chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng, đến nay giai đoạn 1 (khoảng 90 ha quy hoạch phân KCN và đô thị) đã hoàn thành cơ bản đủ điều kiện thu hút các doanh nghiệp ngành CNHT và CNC vào sản xuất, kinh doanh. KCN Hanssip đã chịu tác động lớn bởi khó khăn trong giải phóng mặt bằng; chờ chính sách cụ thể khi Hà Nội sáp nhập với tỉnh Hà Tây; giá vật liệu xây dựng (cát san lấp) tăng cao và cốt nền lên tới 5,2 m để triệt tiêu toàn bộ ngập úng cho KCN; giá thuê đất thô của Hà Nội cao gấp ba lần các địa phương gần Hà Nội và nhất là chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT của Nhà nước còn chưa sát thực tế. Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát ngay sau khi KCN Hanssip hoàn thành cơ sở hạ tầng.
Cụ thể hơn, năm 2013, dự án được khởi công xây dựng theo định hướng KCN ngành CNHT gắn với đô thị dịch vụ là loại hình mới, các quy định về quản lý của Nhà nước đối với loại hình này còn chưa đầy đủ. Do đó, quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính phủ và lãnh đạo TP Hà Nội, tại thời điểm hiện nay, với lợi thế của Thủ đô cùng với quy mô định hướng phát triển lớn mang tầm vóc KCN đô thị chuyên sâu cho ngành CNHT, với quy hoạch xây dựng hàng trăm nhà xưởng đạt chuẩn quốc tế phù hợp nhu cầu các doanh nghiệp CNHT, với khu đô thị dịch vụ liền kề đủ các tiện ích vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khách sạn, trường học, trung tâm y tế và gắn với khu nhà ở xã hội công nhân, chuyên gia lên tới hàng chục nghìn người... Hiện KCN Hanssip có nhiều tập đoàn lớn quốc tế đang muốn đầu tư để phát triển sản xuất các sản phẩm ngành CNHT và CNC.
Tại hội nghị làm việc với Huyện ủy Phú Xuyên về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp: Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2020-2025 vừa qua, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, cần phát triển KCN Hanssip để trở thành động lực quan trọng góp phần hình thành, phát triển đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Hiện nay, Phú Xuyên vẫn là huyện khó khăn nhất trong số các huyện ngoại thành Hà Nội; tổng thu ngân sách toàn huyện khoảng 340 tỷ đồng, trong đó chi phát triển khoảng 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư FDI rất lớn đã đánh giá hạ tầng và quy mô định hướng phát triển KCN Hanssip rất phù hợp để đầu tư sản xuất lĩnh vực CNHT và đang đàm phán thuê đất đầu tư sản xuất tại KCN này. Do đó, để dự án này thành công, rất cần sự quyết tâm, nỗ lực của doanh nghiệp ngành CNHT của KCN Hanssip nói riêng và của chính quyền các cấp TP Hà Nội cùng chung tay tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để sớm hình thành một KCN mang tầm vóc quốc tế hiện đại, chuyên sâu cho ngành CNHT Thủ đô phát triển nhanh.