Góp phần đưa thế giới phát triển đúng hướng một cách bền vững
Sau gần hai tuần làm việc đầy trách nhiệm, với nhiều ngày đàm phán căng thẳng nhất từ trước đến nay, cuối cùng Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (COP21) tại Pa-ri, Pháp, cũng đã thông qua Thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Con đường đi tới đích của thỏa thuận được đánh giá là 'lịch sử' này, thật vô cùng chông gai.
Các nhà lãnh đạo vui mừng khi Thỏa thuận Pa-ri được thông qua.
Ảnh: metronews.fr
Được bắt đầu sớm hơn một ngày và kết thúc muộn hơn một ngày so với lịch trình, chặng đường mà 195 nước vừa vượt qua tại Thủ đô Pa-ri của nước Pháp là một chặng đường chông gai, gập ghềnh. Những cuộc tranh luận trong hành lang Hội nghị cũng nóng bỏng, gay cấn và quyết liệt như tại phiên họp toàn thể. Nhiều điểm đã đạt được nhất trí và ghi nhận trong các phiên bản dự thảo của thỏa thuận vẫn có thể bị xem xét lại và chỉnh sửa trong các phiên bản tiếp theo. Chính những diễn biến này đã khiến khả năng thành công của Hội nghị luôn là một ẩn số cho đến phút chót của ngày đàm phán cuối cùng.
Với 31 trang, 29 điều khoản, bản Thỏa thuận Pa-ri đã đặt ra mức trần nhiệt độ của Trái đất đến năm 2100 là không quá 2oC, kèm theo khuyến nghị "quyết tâm đạt mức 1,5oC". Để hoàn thành mục tiêu này, Thỏa thuận kêu gọi đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải do con người tạo ra và khả năng hấp thụ của Trái đất, do đó, các quốc gia phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng Mặt trời, gió và nâng cao hiệu suất năng lượng.
Một số nước cũng đẩy mạnh việc theo đuổi năng lượng hạt nhân, không tạo ra khí thải nhà kính. Các quốc gia được yêu cầu xem xét lại các cam kết cắt giảm khí thải cứ 5 năm một lần với cam kết lần sau cao hơn cam kết lần trước. Lần xét lại đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2025. Một điểm quan trọng nữa trong Thỏa thuận Pa-ri là các nước phát triển phải hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển. Cụ thể, các nước phát triển có nghĩa vụ huy động 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển từ nay đến năm 2020 và mức hỗ trợ này được duy trì đến năm 2025.
Với việc thông qua Thỏa thuận Pa-ri, đây được xem là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Đã nhiều lần các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại các Hội nghị COP hằng năm của LHQ với hy vọng đạt được một thỏa thuận, nhưng đã phải ra về trong thất vọng.
Chính vì vậy, thỏa thuận đầy đủ, mạnh mẽ và cân bằng với các mục tiêu tham vọng đạt được tại COP21 tại Pa-ri lần này được đánh giá là mang tính lịch sử, là thành quả chung của các nước. Một thỏa thuận mang tính đột phá đạt được tại Pa-ri cho thấy các nước đã biết hợp sức để tạo ra khuôn khổ chung, đưa thế giới phát triển đúng hướng một cách bền vững.
"Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu rằng, chúng ta đã chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau", Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun nói. Còn Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ thì lạc quan cho rằng, thế hệ mai sau rồi đây sẽ nhìn lại ngày 12-12-2015 như mốc son cho ra đời một Hiệp ước lịch sử với quyết tâm "cứu" Trái đất của thế hệ hôm nay.
Tuy nhiên, cho dù nhấn mạnh đến sự thành công lịch sử của Hội nghị COP21, giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt và đòi phải có những nỗ lực bổ sung. Theo nhóm chuyên gia LHQ, để duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 20C từ nay cho đến cuối thế kỷ, thì lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không được quá 40 tỷ tấn. Thế nhưng, các cam kết của các nước cộng lại không thể xuống dưới 55 tỷ tấn. Do vậy, nếu các nước ký kết Hiệp định không xem xét lại mục tiêu cam kết tại Pa-ri vào 5 năm tới, thì mục tiêu 1,50C sẽ không bao giờ đạt được.
Thu Uyên