Góp phần làm mới bộ mặt đô thị

Sau nhiều năm thi công xây dựng, một số công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng thành phố, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, góp phần làm cho diện mạo thành phố tươi mới hơn, đồng thời kết nối giao thông một cách thông suốt…

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 chuẩn bị được đưa vào sử dụng dịp lễ 30/4 tới.

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 chuẩn bị được đưa vào sử dụng dịp lễ 30/4 tới.

Đã chiều muộn nhưng công nhân trên công trình thi công cầu Thủ Thiêm 2 vẫn miệt mài hoàn tất thảm nhựa ở nhiều vị trí trên mặt cầu chính. Dưới dạ cầu trên đường Tôn Đức Thắng, phía quận 1, gần bến Bạch Đằng, một số công nhân chăm chút trồng cây và mảng xanh, hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa công trình vào sử dụng đúng dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay.

Chị Tô Thị Thanh, nhà ở đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, ngay dưới nhánh của cầu Thủ Thiêm 2, phấn khởi cho biết: “Nhánh cầu đã xây xong gần 3 năm nay, cách nay nửa năm cầu được hợp long nối hai bên bờ mới thấy chiếc cầu ra hình, ra dáng. Vài ngày nữa cầu mới được khánh thành, người dân ở khu trung tâm quận 1 chỉ mất vài phút là qua bên kia sông Sài Gòn thuộc thành phố Thủ Đức”.

Niềm vui của chị Thanh cũng là sự mong chờ của người dân thành phố khi công trình thi công cầu Thủ Thiêm 2 đã chạm đích sau hơn 7 năm thi công xây dựng.

Theo nhà đầu tư, Công ty Đại Quang Minh, công trình cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc cầu rồng với hình dáng cong về phía sau của tháp cầu và hình uốn lượn nhìn từ mặt bên của cầu, đem lại cho cầu tính thẩm mỹ độc đáo và tạo điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn. Tháp cầu nghiêng về phía Thủ Thiêm còn được xem như là một biểu tượng cổng chào du khách tới với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) qua quận 1, có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng-Lê Duẩn, điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1) Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phần cầu chính và cầu dẫn phía quận 2 có 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ); phần cầu dẫn phía quận 1 gồm 4 làn xe đi thẳng vượt qua nút giao Nguyễn Hữu Cảnh-Lê Thánh Tôn xuống trước nút giao Lê Duẩn. Tổng chiều dài của công trình là 1.465 m với tổng vốn đầu tư khoảng 3.100 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 2 kết hợp chiếu sáng mỹ thuật sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày và đêm.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra và đánh giá nhà đầu tư tuân thủ chặt chẽ các quy định bảo đảm chất lượng của công trình. Cầu Thủ Thiêm 2 khi đưa vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả giao thông rất lớn cho thành phố, kết nối quận 1 sang thành phố Thủ Đức, kết nối ra đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội và phía đông thành phố. Công trình còn giúp kết nối giao thông giữa trung tâm đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo động lực phát triển nhanh cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công trình nâng cấp đường Ðặng Thúc Vịnh (đoạn từ đường Lê Văn Khương đến đường Tô Ký) đi qua 2 xã Ðông Thạnh và Thới Tam Thôn của huyện Hóc Môn cũng là một dự án giao thông được người dân mong đợi, sẽ khánh thành đúng dịp lễ 30/4 tới. Bàn giao gần 50% diện tích nhà, đất cho dự án thi công, ông Trần Thanh Sang, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, chia sẻ, dù kéo dài 20 năm kể từ khi công bố lộ giới đến nay công trình mới có hình hài nhưng người dân phấn khởi. Vì con đường cũ quá hẹp, ông Sang và nhiều hộ dân đi đầu ủng hộ và đồng thuận giao đất cho thành phố thi công làm đường.

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, công trình sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh được đầu tư xây dựng nhằm kết nối từ trung tâm huyện Hóc Môn theo hướng trục tỉnh lộ 9 đến cầu Rạch Tra, đồng thời giúp nâng cao năng lực giao thông, góp phần giải quyết tình trạng ngập nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị và ổn định cuộc sống người dân khu vực. Công trình còn là một trong những trục chính kết nối thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương và Long An, dự kiến thông xe vào ngày 28/4 tới.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, Sở đã và đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư để tập trung giải quyết vướng mắc của các dự án giao thông trọng điểm, nhất là xử lý nhanh các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, để hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng khác đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, công trình xây dựng đường song hành đường Võ Văn Kiệt, quận 1 cũng vừa hoàn thành để đưa vào sử dụng trong dịp lễ 30/4 năm nay. Khởi công tháng 5/2021, công trình có mục tiêu mở rộng đường Võ Văn Kiệt phía bên phải (kết nối từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Pasteur) nhằm tăng khả năng thông hành giao thông trục đường Võ Văn Kiệt, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm quận 1. Công trình có chiều dài khoảng 500 m, bề rộng khoảng 7 m.

Bài, ảnh: VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/gop-phan-lam-moi-bo-mat-do-thi-694045/