Góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền và giáo dục lịch sử địa phương

Thời gian qua, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Đồng Tháp - thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu, biên soạn các đề tài mang tính ứng dụng cao, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục lịch sử địa phương.

Tọa đàm tư vấn Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bảo Tiền (Ảnh: Hữu Nghị)

Tọa đàm tư vấn Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bảo Tiền (Ảnh: Hữu Nghị)

Đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong năm qua, Hội KHLS tỉnh đã hỗ trợ các ngành, các cấp sưu tầm tư liệu, biên soạn một số công trình lịch sử tiêu biểu. Đơn cử như phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp thực hiện đề tài “Lịch sử phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025”; phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu, phát huy giá trị Địa bạ tỉnh Định Tường thời Minh Mạng (năm 1836)”.

Các hội viên Hội KHLS còn tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp tham luận tại các hội thảo: “Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại”; “Nghiên cứu chủ quyền Quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam”; “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tấm gương trọn đời vì nước vì dân”... Đặc biệt, ngày 15/11/2024, Hội KHLS tổ chức thành công buổi Tọa đàm tư vấn “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bảo Tiền” (xã Long Thắng, huyện Lai Vung). Qua đó, xây dựng những cơ sở khoa học bước đầu đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo về mặt khai thác tư liệu, khai quật khảo cổ để làm rõ thêm vai trò, ý nghĩa của căn cứ Bảo Tiền và trong mối quan hệ giữa căn cứ Bảo Tiền với hệ thống phòng thủ ngoại vi như: Bảo Hậu (xã Định Hòa, huyện Lai Vung), các cản Đá Hàn (ở các xã: Long Hậu, Hòa Long, Tân Thành, huyện Lai Vung). Đồng thời đề nghị đưa di tích Bảo Tiền vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa, khai quật khảo cổ để có cơ sở tiến tới lập hồ sơ khoa học công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đại biểu khảo sát trên sông Tiền chuẩn bị cho Hội thảo Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (Ảnh: Thành Thuận)

Đại biểu khảo sát trên sông Tiền chuẩn bị cho Hội thảo Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (Ảnh: Thành Thuận)

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương

Ngoài công tác thường xuyên, Hội KHLS còn tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, lịch sử ngành đến các tổ chức, đơn vị, đoàn thể các cấp. Nổi bật trong năm qua là công tác hỗ trợ các địa phương sưu tầm tư liệu, biên soạn các công trình: Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lấp Vò; Lịch sử truyền thống cách mạng xã Mỹ An Hưng A; Lịch sử truyền thống cách mạng xã Mỹ An Hưng B. Biên soạn tài liệu “Công cuộc khai phá và bảo vệ vùng đất phía Nam sông Tiền đến giữa thế kỷ XX và Công cuộc khai phá và bảo vệ vùng biên viễn Hồng Ngự”; biên soạn Lược sử đình Bình Hàng Tây và Lược sử đình Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) theo Đề án Phát huy giá trị đình làng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Đồng Tháp; hỗ trợ tu bổ 6 sắc phong đình Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh), tư liệu về dòng họ, tư liệu của đình Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò); tiếp tục phát hành 4 tập (82, 83, 84, 85) ấn phẩm “Đồng Tháp Xưa và Nay” trong năm 2024; tổ chức trưng bày tại công viên Văn Miếu 4 chuyên đề lịch sử - văn hóa trong 4 quý; phát hành sách “Đồng Tháp - Đất và Người” kỷ niệm 25 năm thành lập Hội (tập 10), phát hành sách “Không gian Lịch sử và Cuộc sống” (tập 7/2024)...

Trong hoạt động tuyên truyền, Hội biên soạn và báo cáo chuyên đề “Lịch sử vùng đất Nam Bộ và tỉnh Đồng Tháp ngày nay” cho 300 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh; tham gia buổi nói chuyện chuyên đề “Vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử ở tỉnh Đồng Tháp” do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội KHLS Đồng Tháp tổ chức; tham gia làm Ban Giám khảo Cuộc thi tìm hiểu sách “Địa danh Lịch sử - Văn hóa TP Cao Lãnh”, giới thiệu sách về TP Cao Lãnh; tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và Lịch sử truyền thống cách mạng...

Ngoài ra, lãnh đạo Hội KHLS còn tham gia tư vấn, thẩm định các đề tài khoa học và công nghệ như: Biên niên sự kiện lịch sử ngành Nội vụ tỉnh Đồng Tháp (1977 - 2022); Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp (2015 - 2025); Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Bình (1930 - 2020); Lịch sử truyền thống cách mạng xã Bình Thành (1976 - 2020); Lịch sử công tác tham mưu của Lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp (1975 - 2020); Lịch sử truyền thống cách mạng xã Tân Thành (1930 - 2020); Lịch sử truyền thống cách mạng xã Định Hòa (1930 - 2020); Biên niên sự kiện lịch sử xã Vĩnh Thới (1930 - 2020); Biên niên sự kiện lịch sử xã Tân Hòa (1930 - 2020); Biên niên sự kiện lịch sử thị trấn Lai Vung (1994 - 2020); Lịch sử Đảng bộ huyện Cao Lãnh (1975 -2020)... Qua đó, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử của ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức Hội KHLS các huyện, thành phố cũng có nhiều kết quả nổi bật. Đơn cử như tổ chức Hội KHLS huyện Hồng Ngự phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức hội thảo lần thứ nhất “Biên niên lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Thường Phước 2 (1930 - 2020)”; tổ chức Hội KHLS huyện Lai Vung in và phát hành 500 quyển “Lai Vung dấu ấn trăm năm”; tổ chức Hội KHLS TP Hồng Ngự hội thảo lần 1 góp ý bản thảo “Địa danh Lịch sử - Văn hóa” TP Hồng Ngự...

Đặc biệt, trong năm 2025, Hội KHLS sẽ tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập Hội. Qua đó nhằm tổng kết lại những thành tựu nổi bật trong hơn 2 thập niên hình thành phát triển, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nói chung, lịch sử tỉnh nhà nói riêng. Hiện nay, Hội KHLS có 9 thành viên đam mê sưu tầm và nghiên cứu các vấn đề văn hóa – lịch sử Nam Bộ nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, có thâm niên với nghề, đóng góp tích cực vào thành công chung của hoạt động Hội KHLS trong những năm qua. Thành tựu đạt được là động lực to lớn để Hội KHLS tiếp tục cống hiến sức mình trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và cho ra đời những công trình giá trị trong tương lai.

Inforgraphic Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp

Inforgraphic Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp

Với những kết quả nổi bật năm 2024, hoạt động Hội KHLS tỉnh Đồng Tháp góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đến mọi tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị các cấp ở địa phương. Đây còn là điều kiện thuận lợi để hội viên Hội KHLS tổ chức tốt hoạt động sưu tầm tư liệu, hỗ trợ hiệu quả cho địa phương trong việc phối hợp chuyên môn, biên soạn lịch sử các ngành, các cấp trong tỉnh. Đến nay, cấp huyện và thành phố trong tỉnh thành lập được 5 Chi hội KHLS gồm: huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh, huyện Tháp Mười và TP Sa Đéc. Đó là cơ sở bước đầu kiện toàn về tổ chức, hoạt động chuyên môn ở các cấp địa phương, tạo điều kiện cho công tác phối hợp được chặt chẽ, có hệ thống từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, thành phố và xã. Đặc biệt với sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương trong những năm qua dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh nhà giúp Hội KHLS ngày càng phát huy tốt hơn nữa vai trò của Hội đối với việc nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục lịch sử địa phương đến với cộng đồng, xã hội...

Lê Thành Thuận

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/gop-phan-nang-cao-hieu-qua-tuyen-truyen-va-giao-duc-lich-su-dia-phuong-128195.aspx