Góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về quyền lợi khi tiêu dùng

Nhằm hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về quyền lợi khi tiêu dùng; phát huy ý thức tôn trọng, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi trong đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Trọng Thức - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành hội đã lồng ghép, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của hội với nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có thể kể đến việc Sở Công Thương tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân các địa phương… Ngoài ra, hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm định, đo lường chất lượng hàng hóa, dịch vụ; phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Những hoạt động này được tăng cường trong dịp trọng điểm lễ, tết, góp phần từng bước thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng nội, hàng ngoại. Hàng nội chất lượng cao đã được người tiêu dùng chấp nhận và không sử dụng những mặt hàng ngoại không an toàn.

Đội Quản lý thị trường số 4 khu vực Phong Thổ - Sìn Hồ kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa ở tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ).

Đội Quản lý thị trường số 4 khu vực Phong Thổ - Sìn Hồ kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa ở tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ).

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể được hội triển khai đồng bộ từ tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn, nhất là vào dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, tết Trung thu; thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Trong 5 năm qua có 28.703 lượt cơ sở được thanh, kiểm tra; đã phát hiện 2.993 lượt cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 366 lượt cơ sở, với số tiền 360,96 triệu đồng. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua xét nghiệm phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn, kịp thời cảnh báo đến người tiêu dùng.
Hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tăng cường triển khai thực hiện hoạt động về tiêu chuẩn đo lường đối với đồng hồ đo nước lạnh tại 6 cơ sở kinh doanh, kiểm tra 1.230 đồng hồ đo nước lạnh lắp đặt tại các hộ gia đình và lưu giữ tại kho, kiểm tra đối với phương tiện đo điện năng tại 4 cơ sở. Kiểm tra về đo lường và nhãn hàng hóa của hàng đóng gói sẵn tại 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn; kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ tại 11 cơ sở. Nhờ đó, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chân chính mở rộng sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tổ chức kiểm tra 97 cơ sở về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh hàng thực phẩm bao gói sẵn, dịch vụ ăn uống, trong đó phát hiện 1 cơ sở vi phạm; giải quyết cho 18 lượt cá nhân, doanh nghiệp sử dụng phương tiện đo, trong đó 16 đồng hồ đo nước lạnh, 2 công-tơ đo điện năng có kiến nghị về sai số. Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đã phát hiện xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm.
Chị Trần Thị Nga ở tổ dân phố số 8 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) cho biết: Vừa qua, sau khi có thông báo tiền nước sinh hoạt từ Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu, gia đình tôi thấy cao hơn mức chi trả những tháng trước. Tôi đã liên hệ nhân viên công ty đến kiểm tra và phát hiện bị rò rỉ đường ống dẫn nước nên kịp thời đề nghị thay thế, sửa chữa.
Được biết, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa tại địa bàn các huyện trong toàn tỉnh. Điều này góp phần hình thành nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng khu vực nông thôn. Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và tiêu dùng sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý. Tạo thêm nhiều cơ hội và lựa chọn mua sắm hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, đổi mới nội dung, cách làm trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải nhận thức rõ: bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình và bảo vệ lợi ích chung toàn xã hội.

Ngọc Bảo

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/g%C3%B3p-ph%E1%BA%A7n-n%C3%A2ng-cao-nh%E1%BA%ADn-th%E1%BB%A9c-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-t%E1%BA%A7ng-l%E1%BB%9Bp-nh%C3%A2n-d%C3%A2n-v%E1%BB%81-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%A3i-khi-ti%C3%AAu-d%C3%B9ng