Góp phần phát triển thủy sản bền vững ở Giao Hà

Là một trong những địa phương có nhiều diện tích ruộng trũng, ao, đầm của huyện Giao Thủy, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung và phong trào nuôi thủy sản nói riêng ở xã Giao Hà đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Xã viên Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà (Giao Thủy) vận hành hệ thống quạt sục khí tạo môi trường nuôi thuận lợi cho đàn cá phát triển.

Nuôi thủy sản là một trong những ngành kinh tế được lãnh đạo xã Giao Hà quan tâm chỉ đạo khuyến khích người dân đầu tư phát triển. Hiện toàn xã có 41,12ha nuôi thủy sản trong vùng chuyển đổi đất từ trồng lúa kém hiệu quả và một số ao, đầm ven các khu dân cư với các giống cá: diêu hồng, chim trắng, chuối Thái Lan và tôm thẻ chân trắng. Đồng chí Phùng Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hà cho biết: Trước đây, những vùng nuôi thủy sản chủ yếu là diện tích thùng đào, thùng đấu hay diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Xã đã xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, cải tạo, mở rộng hệ thống đường giao thông nội đồng và khuyến khích các hộ dồn đổi ruộng để cải tạo thành ao nuôi thủy sản. Đến nay, những vùng chuyển đổi nuôi thủy sản đều cho hiệu quả kinh tế khá cao hơn gấp 3-4 lần cấy lúa. Để khuyến khích nghề nuôi thủy sản phát triển, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính trong đấu thầu đất, vay vốn ngân hàng; chú trọng đảm bảo an ninh trật tư; phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để người nuôi thủy sản yên tâm sản xuất. Nhờ đó, trung bình hàng năm, sản lượng nuôi thủy sản của toàn xã đạt khoảng 350 tấn. Trước yêu cầu phát triển về quy mô, diện tích, đối tượng con nuôi mới của ngành nuôi thủy sản, tháng 3-2019, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành chức năng, Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu về mô hình hoạt động của Hợp tác Nông thủy sản Giao Hà ở xóm 6 đúng vào thời điểm các thành viên hợp tác xã đang tham quan thực tế mô hình nuôi cá trắm của Giám đốc Hợp tác xã Mai Xuân Láng. Trò chuyện với chúng tôi, bác Láng vui vẻ cho biết: Xuất phát từ những biến động của thị trường và nhu cầu liên kết của những người nuôi cá trong khu vực nên Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà đã được thành lập với sự tham gia góp vốn của 13 thành viên; trong đó xã Giao Phong có 4 thành viên và xã Giao Hà có 9 thành viên. Mục tiêu của hợp tác xã là hỗ trợ, giúp đỡ thành viên cùng phát triển sản xuất thủy sản, nâng cao thu nhập. Các thành viên đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn, ương cá giống; mật độ nuôi thả cá; kỹ thuật vệ sinh ao nuôi đến phương pháp phòng tránh bệnh cho cá. Bên cạnh đó, các thành viên trong hợp tác xã thường xuyên tổ chức tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư do Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy tổ chức bổ sung, cập nhật nhiều kiến thức mới về kỹ thuật, thị trường… Cùng với đó, Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà còn là “cầu nối” giúp thành viên có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật của Nhà nước, của tỉnh; đồng thời chủ động phối hợp với Hợp tác xã Thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) tổ chức tiêu thụ cá thương phẩm và cung ứng nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng cho các thành viên. Ngay trong vụ nuôi năm 2019, Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà đã cung cấp khoảng 10 triệu con cá giống các loại phục vụ cho nhu cầu nuôi thả cá của người nuôi trên địa bàn; cung cấp hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi cho các hộ thành viên và hộ nuôi thủy sản trong khu vực, qua đó giúp giảm chi phí thức ăn cho người nuôi cá từ 10-15%... Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà không chỉ giúp các thành viên giảm chi phí đầu tư mà còn góp phần thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản ở địa phương phát triển bền vững, giúp người nuôi thủy sản yên tâm gắn bó với nghề. Dẫn chúng tôi đi tham quan diện tích ao nuôi cá rộng hơn 7ha của gia đình, bác Mai Xuân Láng, vui vẻ cho biết: Với sự nhất trí cao của tất cả các thành viên, hợp tác xã đã quyết định đầu tư vốn cải tạo 2 ao nuôi rộng gần 2ha để xây dựng mô hình điểm nuôi cá trắm cỏ, trắm đen theo hướng chuyên canh, nhằm tăng giá trị kinh tế. Gắn bó với nghề nuôi cá từ khá lâu nhưng sau khi tham gia hợp tác xã tôi mới thực sự yên tâm góp vốn mở rộng sản xuất để tìm hướng phát triển mới... Hiện nay, sau 3 tháng xuống giống cá sinh trưởng, phát triển khá tốt và hứa hẹn cho năng suất cao. Mô hình này thành công sẽ là cơ sở để hợp tác xã đúc rút kinh nghiệm phổ biến nhân rộng ra các hộ thành viên. Đánh giá về vai trò của Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà, đồng chí Phùng Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn sản xuất và xu hướng phát triển nghề nuôi thủy sản hiện nay, sự ra đời và phát triển của hợp tác xã đã và đang trực tiếp thúc đẩy ngành nuôi thủy sản của địa phương phát triển theo hướng hiệu quả vững chắc, tăng thu nhập cho các hộ thành viên; đồng thời thúc đẩy phong trào chuyển đổi ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, chuyên canh cho hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa... Sáu tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của xã đạt gần 200 tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để từng bước mở rộng đầu tư sản xuất, phát triển các dịch vụ phục vụ nuôi thủy sản do không có tài sản thế chấp; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; vấn đề tìm kiếm thị trường tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủy sản…

Thời gian tới, Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà tập trung xây dựng thương hiệu “Thủy sản Giao Hà” nhằm nâng cao giá trị kinh tế và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủy sản của địa phương. Tuy nhiên, để hợp tác xã thực sự trở thành “hạt nhân” trong việc tập hợp các hộ nông dân cùng nhau liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng trũng và tăng thu nhập cho người sản xuất rất cần có sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ hợp tác xã từng bước tháo gỡ những khó khăn về cơ chế và nguồn lực để phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201906/gop-phan-phat-trien-thuy-san-ben-vung-o-giao-ha-2531527/