Góp phần phát triển văn hóa đọc trong xã hội

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Thư viện. Đây là văn bản góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc, khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện.

Nhiều quy định trong Pháp lệnh Thư viện đã lỗi thời

Đó là một trong những lý do được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu ra trong phiên họp của Quốc hội. Theo Bộ trưởng, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-12-2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Tuy nhiên, sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, như: Chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp năm 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của pháp lệnh không còn phù hợp.

Theo dõi hoạt động thư viện tại các địa phương trên cả nước mới thấy những hạn chế của Pháp lệnh Thư viện càng bộc lộ rõ hơn. Dù nhiều nơi xây dựng thư viện khá khang trang nhưng vẫn chưa được khai thác, hoạt động hiệu quả. Tình trạng đến thư viện chỉ có thủ thư với sách, thư viện cửa đóng then cài hay trống huơ trống hoác diễn ra ở nhiều nơi. Cách đây vài năm, ông Nguyễn Thế Khang, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam bấy giờ đã nhận định: "Nhìn cách hoạt động như hiện nay, có thể nói rằng, khi điện thoại thông minh ra đời thì điểm bưu điện văn hóa xã coi như đã "chết" rồi". Trong khi đó, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng: "Nhận thức của nhiều cấp lãnh đạo về vai trò của thư viện tại một số nơi còn hạn chế. Ngân sách đầu tư cho hoạt động thư viện rất ít, đội ngũ người làm thư viện vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải kiêm nhiệm các công việc khác. Chế độ cho người làm thư viện ở cơ sở còn rất hạn chế, phương tiện vận chuyển sách phục vụ thư viện lưu động chưa đủ đáp ứng nhu cầu".

 Học sinh đọc sách tại Thư viện Trường Tiểu học Nam Đồng, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định).

Học sinh đọc sách tại Thư viện Trường Tiểu học Nam Đồng, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định).

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, thư viện phát triển hay không phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm của lãnh đạo và tinh thần năng nổ, trách nhiệm của người làm thư viện. Với nhiều nơi, cơ sở hạ tầng thư viện không phát triển, lượng người đọc ít, tạo ra sự mâu thuẫn. Dù muốn nâng cao văn hóa đọc nhưng chúng ta lại vướng vào vòng luẩn quẩn, lúng túng không biết nên cải thiện từ đâu, cơ sở hạ tầng thư viện trước để thu hút người đọc hay vận động người đọc sách trước trong khi thư viện nhiều nơi vẫn xuống cấp, vốn sách nghèo nàn.

Nhiều điểm mới góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển

Luật Thư viện được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. So với Pháp lệnh Thư viện, Luật Thư viện có một số điểm mới, như: Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, lần đầu tiên quy định cụ thể lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển một xã hội có thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc… Ngoài ra, đáng chú ý có những quy định cụ thể trong chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc, như: Đầu tư cho thư viện công lập; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện...

Luật Thư viện mới được các chuyên gia đánh giá sẽ tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước; góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc; góp phần bảo đảm tính minh bạch và khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế... Ông Nguyễn Quang Thạch, người tham gia xây dựng nhiều thư viện cộng đồng tự quản với mục tiêu “Sách hóa nông thôn” cho biết: “Sự ra đời của Luật Thư viện 2019 là bước tiến mới, phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước. Điều cần làm hiện nay là tăng cường phổ biến luật này đến các trường học, đến từng thôn, xóm để toàn dân được biết, chung tay thúc đẩy quyền nghe và đọc sách của mọi người. Đặc biệt, Luật Thư viện sẽ là nền tảng để các nghị định, thông tư, quyết định về khuyến đọc được xây dựng và đi vào đời sống xã hội”.

Bài và ảnh: MINH NHÃ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/gop-phan-phat-trien-van-hoa-doc-trong-xa-hoi-604285