Góp phần quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững
Ngày 1/7, HĐND tỉnh Bắc Ninh, Tây Ninh tổ chức kỳ họp thứ nhất nhằm thông qua một số nội dung quan trọng về tổ chức bộ máy, nhân sự của HĐND, UBND tỉnh và các xã mới hình thành sau sắp xếp.
Bắc Ninh bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Oanh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Bắc Ninh, khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Việt Oanh nhấn mạnh, đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng tỉnh Bắc Ninh trong kỷ nguyên mới, phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Kỳ họp có ý nghĩa đặt nền móng cho hoạt động của bộ máy HĐND tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất; đánh dấu thời điểm kết thúc hoạt động của bộ máy cấp huyện, bước sang thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại kỳ họp này, ngoài nội dung thông báo, công bố nghị quyết về việc chỉ định, phê chuẩn nhân sự giữ các chức danh theo quy định, HĐND tỉnh Bắc Ninh tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và quyết định một số nội dung theo thẩm quyền. Các đại biểu đã nghe thông báo số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Số lượng đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh đến ngày 1/7 là 114 người. Kỳ họp cũng công bố các nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2021 - 2026; về việc phê chuẩn số lượng và danh sách nhân sự giữ các chức danh phó trưởng ban, ủy viên các ban của HĐND tỉnh Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Oanh khẳng định, các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành triển khai, bảo đảm cho hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh Bắc Ninh vận hành thông suốt, hiệu quả sau khi hợp nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. HĐND tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các nhiệm vụ, lắng nghe ý kiến của cử tri; kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn tỉnh.

Ra mắt thành viên Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất về chủ trương vận hành tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tăng cường nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức, sự thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong nhân dân đối với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. HĐND tỉnh trên cơ sở kết quả rà soát các cơ chế chính sách do HĐND 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trước đây đã ban hành khẩn trương tổ chức kỳ họp chuyên đề để bãi bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp; quyết định duy trì, áp dụng các cơ chế, chính sách có tính ưu việt, ban hành các cơ chế, chính sách mới để chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tây Ninh có hơn 2.000 biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh, phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Ngày 1/7, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021 -2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất nhằm thông qua một số nội dung quan trọng về tổ chức bộ máy, nhân sự của HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh và các xã mới hình thành sau sắp xếp. Đây là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Tây Ninh mới hình thành trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Long An và Tây Ninh.
Tại kỳ họp, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh đã công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉnh định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Tây Ninh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh. Phó Chủ tịch gồm các ông/bà: Nguyễn Đài Thy, Đặng Thị Ngọc Mai và Nguyễn Hồng Sơn.
Ông Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Tỉnh ủy được Thủ tướng Chính phủ chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Phó Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm các ông: Nguyễn Hồng Thanh, Đoàn Trung Kiên, Nguyễn Minh Lâm, Phạm Tấn Hòa và Huỳnh Văn Sơn.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cùng các Phó Chủ tịch ra mắt tại kỳ họp. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Cũng tại kỳ họp 90/94 đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 đã tập trung thảo luận và thông qua: Nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Nghị quyết thành lập các Ban của HĐND cấp tỉnh; Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh...
Kỳ họp cũng công bố các nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc chỉ định Ủy viên UBND tỉnh; phê chuẩn Phó Trưởng ban và Ủy viên HĐND tỉnh; chỉ định đại biểu HĐND cấp xã hình thành sau sắp xếp và Nghị quyết về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban của HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.
HĐND tỉnh Tây Ninh quyết nghị thành lập 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Tây Ninh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan chuyên môn của Long An và Tây Ninh trước đây. Tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính (không bao gồm cấp xã) của tỉnh Tây Ninh năm 2025 là 2.057 biên chế; tổng chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và thuộc Sở, ngành tỉnh Tây Ninh là 9.697 chỉ tiêu.

Các đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
HĐND tỉnh Tây Ninh cũng thống nhất thành lập Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Tây Ninh trên cơ sở hợp nhất hai Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh Tây Ninh và Long An trước khi sáp nhập.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc hợp nhất hai tỉnh Long An và Tây Ninh là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử trong tiến trình phát triển của tỉnh Tây Ninh hiện nay. Trong bối cảnh mới, khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, vai trò, vị thế, trách nhiệm của HĐND tỉnh càng trở nên quan trọng. Nhất là khi quy định của pháp luật mới đã trao cho HĐND tỉnh nhiều thẩm quyền hơn trong việc quyết định các vấn đề của địa phương.
Do đó, HĐND tỉnh, các đại biểu phải không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; trung tâm trong việc hoạch định chính sách, quyết định định hướng phát triển và giám sát chặt chẽ việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, góp phần quan trọng cho sự vận hành thông suốt của bộ máy chính quyền địa phương, sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn mới.