Góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt - Nga

Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Hữu nghị Việt - Nga. Ảnh: CTV

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra bước ngoặt, hướng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam theo ánh sáng Cách mạng Nga. Nguyễn Ái Quốc - người Việt Nam đầu tiên hoạt động ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười, là người đặt nền móng xây dựng tình hữu nghị nhân dân Việt Nam - Liên bang Nga.

Từ Cách mạng Tháng Mười

Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đang trên hành trình tìm đường cứu nước. Mặc dù chưa biết nước Nga ở đâu, Lênin là ai, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã được nghe nói rằng ở nước Nga, Lênin đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi bọn chủ bóc lột, nhân dân lao động Nga thì đang tự quản lý đất nước; rằng Cách mạng Tháng Mười Nga sau khi giải phóng dân tộc mình còn giải phóng tất cả các dân tộc khác không kể da trắng, da đen hay da vàng. Những điều đó đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc và bằng cảm tính, Nguyễn Ái Quốc đã ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng của nó... Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở nước Pháp, những người vô sản Pháp giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở Nga”.

Bằng sự nhạy bén và tình cảm tha thiết của một người đang đi tìm đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt được giá trị đầu tiên và căn bản của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó chính là lý tưởng “giải phóng”. Người viết: “Lênin là người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình”.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, Nguyễn Ái Quốc muốn đến nước Nga để trực tiếp khảo sát tình hình, quyết định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Tháng 6/1923, được Đảng Cộng sản Pháp cử, Nguyễn Ái Quốc đến Nga công tác. Ngày 30/6/1923, lần đầu tiên Bác đặt chân lên nước Nga là một kỷ niệm mãi mãi không thể quên. Ngày đó không chỉ là dấu ấn trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự khẳng định niềm tin của toàn thể nhân dân Việt Nam vào lý tưởng của cuộc cách mạng đã chỉ ra con đường giải phóng cho mình. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại do Lênin lãnh đạo thì sự nghiệp giải phóng các dân tộc áp bức mới thành công. Bác học kinh nghiệm từ cách mạng vô sản Nga, từ cương lĩnh giải phóng các dân tộc bị áp bức của Lênin. Từ đó, Bác đã chuẩn bị công phu, hội đủ điều kiện; đến mùa xuân Canh Ngọ ngày 3/2/1930, Người quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Năm 1945, Liên Xô và đồng minh chiến thắng phát xít Đức trong Đại chiến thế giới thứ II, tạo điều kiện cho nhiều nước trên thế giới đứng lên khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Trong đó có cuộc tổng khởi nghĩa 19/8/1945 của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy chỉ sau 15 năm có Đảng với 1.500 đảng viên, Việt Nam đã làm một cuộc cách mạng long trời lở đất giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới.

Ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ các nước trên thế giới. Sau đó, hàng loạt nước công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên thiết lập ngoại giao với nước ta vào ngày 30/1/1950.

Để thắt chặt tình hữu nghị với Liên Xô, quê hương Cách mạng Tháng Mười, chỉ sau 5 tháng thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô và chỉ định cụ Tôn Đức Thắng làm chủ tịch hội đầu tiên. Năm 1969, ông Nguyễn Văn Kỉnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô từ 1956-1966 được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô đến năm 1980. Từ năm 1980-1983, ông Xuân Thủy làm chủ tịch hội. Từ năm 1983-1988, ông Nguyễn Vịnh làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô.

Đến Hội Hữu nghị Việt – Nga

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Hội Hữu nghị Việt - Xô chủ động, kịp thời vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga do GS Đặng Hữu làm chủ tịch hội (1994-1998). Đến ngày 16/12/1998, Hội Hữu nghị Việt - Nga tổ chức đại hội nhiệm kỳ 1999-2003, GS Đặng Hữu được bầu lại làm chủ tịch hội. Đại hội nhiệm kỳ 2006-2011, GS Đào Trọng Thi được bầu làm chủ tịch hội.

Tại đại hội nhiệm kỳ 2011-2016, GS Đào Trọng Thi được bầu lại làm chủ tịch hội. Đến đại hội nhiệm kỳ 2016-2021, ông Trần Bình Minh làm chủ tịch hội cho đến nay.

Như vậy, dù trải qua thăng trầm của lịch sử, Hội Hữu nghị Việt - Xô, nay là Hội Hữu nghị Việt - Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, tăng cường củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay. Hai nước đã nâng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn dân lên tầm cao mới.

Do đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động, Hội Hữu nghị Việt - Xô/Việt - Nga đã được Nhà nước Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Đối với Phú Yên, thực hiện chủ trương của Đảng về thành lập cơ quan chuyên trách về đối ngoại nhân dân, tháng 7/1989, Hội Hữu nghị các nước và các dân tộc tỉnh Phú Yên được tách ra từ Hội Hữu nghị các nước và các dân tộc tỉnh Phú Khánh (trước đây gọi là Hội Hữu nghị Việt - Xô tỉnh Phú Khánh). Hội Hữu nghị Việt - Nga Phú Yên được thành lập theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên. Đồng chí Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội Hữu nghị các nước và các dân tộc tỉnh, làm chủ tịch đầu tiên Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên. Từ năm 1993-2007, ông Đỗ Như Phước, Chủ tịch Hội Hữu nghị các nước và các dân tộc tỉnh, làm chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh.

Năm 2008, hội tiến hành đại hội lần I, nhiệm kỳ 2008-2013, bầu ông Lê Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh làm chủ tịch hội; ông Nguyễn Đắc Tấn, nguyên sĩ quan quân đội về hưu làm phó chủ tịch. Tại đại hội lần II, nhiệm kỳ 2013-2018, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh; ông Đào Minh Hiệp nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh làm chủ tịch; ông Nguyễn Đắc Tấn làm phó chủ tịch thường trực. Tại đại hội lần III, nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh; ông Nguyễn Đắc Tấn làm chủ tịch; ông Phạm Văn Ngữ, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh làm phó chủ tịch thường trực; ông Đặng Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên làm phó chủ tịch.

Riêng Hội Hữu nghị Việt - Xô/Việt - Nga tỉnh Phú Yên khi mới thành lập chỉ có hơn 20 hội viên đến nay đã có 108 hội viên. Đặc biệt năm 2019 thành lập thêm Chi hội Hữu nghị Việt - Nga tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên với 21 hội viên. Trên chặng đường 30 năm xây dựng và hoạt động, hội đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân; góp phần thắt chặt tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt - Nga. Ghi nhận những thành tích của Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên, Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga đã tặng bằng khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân của Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh; Tổng lãnh sự Nga tại Đà Nẵng đánh giá là hội dẫn đầu các tỉnh miền Trung và Hội Hữu nghị Nga - Việt tặng kỷ niệm chương danh dự về thành tích xuất sắc trong hoạt động củng cố tình hữu nghị Việt - Nga. Hai ông Đào Minh Hiệp và Nguyễn Đắc Tấn được Hội Hữu nghị Nga - Việt tặng kỷ niệm chương hữu nghị.

NGUYỄN ĐẮC TẤN

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/240078/gop-phan-that-chat-tinh-huu-nghi-viet-nga.html