Góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số ở cơ sở

'Nói thật, làm thật, hiệu quả thật' - đây chính là những nỗ lực của các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong việc lan tỏa, thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn ngay từ cơ sở.

TIÊN PHONG, TRÁCH NHIỆM

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên, lực lượng tuổi trẻ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đã luôn giương cao ngọn cờ tiên phong trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình trong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. “Tu Tra với địa bàn rộng, có 14 thôn, 2.748 hộ với 15.066 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 63% dân số trong toàn xã. Vì vậy, với cương vị “thủ lĩnh” thanh niên, bản thân hiểu được mình phải là người đi đầu, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), các thành viên trong Tổ Công nghệ số ở xã phải là lực lượng nòng cốt thường xuyên tuyên truyền, vận động, động viên tinh thần Nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng và thực hiện tốt việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”, anh Bùi Hồng Đạt - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tu Tra chia sẻ.

Đến nay, Đoàn Thanh niên xã Tu Tra phối hợp với các ban, ngành đoàn thể xã và các thôn kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID cho 14.825/15.125 người dân, đạt 98% tổng số công dân trên địa bàn đã kích hoạt căn cước công dân mức độ 2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, làm việc trên môi trường số đảm bảo an toàn, an ninh mạng; góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc tự bảo vệ nội dung, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư trên môi trường số. Thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tích cực áp dụng có hiệu quả phòng họp không giấy tờ đối với 23 Chi đoàn trực thuộc. Thực hiện nền nếp việc gửi văn bản, tài liệu qua tin nhắn zalo, gmail, quét mã QR. Chủ động hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương lên sàn thương mại điện tử...

Ứng dụng số ở vùng đồng bào DTTS giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Ứng dụng số ở vùng đồng bào DTTS giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Theo anh Nguyễn Bảo Kiên - Bí thư Huyện Đoàn Đơn Dương, trong năm qua, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên trong vùng đồng bào DTTS được các tổ chức đoàn cơ sở thực hiện tốt, các thông tin được cung cấp kịp thời. Nổi bật trong đó, các đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, nhất là thông qua mạng xã hội. Tiêu biểu, các cấp bộ Đoàn đã thành lập được các nhóm cập nhật tình hình dư luận theo ngày thông qua zalo, viber, facebook...

Đồng thời, thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Huyện Đoàn Đơn Dương cũng chú trọng giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho thanh thiếu nhi, tuyên truyền, phổ biến về Luật Thanh niên năm 2020, Luật Trẻ em, Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường và kỹ năng nhận diện, phòng, chống lừa đảo trực tuyến...

Phụ nữ Đam Rông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động Hội

Phụ nữ Đam Rông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động Hội

THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông đã luôn phát huy vai trò nòng cốt và có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho biết: Với chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, Hội LHPN huyện Đam Rông đã triển khai các hoạt động tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, sinh hoạt chuyên đề, thông qua hệ thống phát thanh của các xã, facebook, zalo... đến tất cả 8 Hội LHPN cơ sở và 3 chi hội trực thuộc với tổng số hội viên là 10.825 hội viên/14.729 phụ nữ có mặt tại địa phương (chiếm tỷ lệ 73,49% trong đó có 6.878 hội viên DTTS).

Theo đó, để hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng, Ban Thường vụ Hội đã triển khai với các nội dung phù hợp như sử dụng facebook, các nhóm zalo để thực hiện nhiệm vụ của Hội; cập nhật hội viên lên phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; hướng dẫn hội viên, phụ nữ và Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khi đi khám bệnh dùng phần mềm VNeID thay cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy... Đến nay, Hội LHPN huyện và 8/8 xã có trang facebook riêng để đăng tải các hoạt động và những nội dung mới của địa phương và của Hội để hội viên, phụ nữ và Nhân dân nắm bắt kịp thời...

ĐVTN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát huy là lực lượng nòng cốt trong công cuộc chuyển đổi số

ĐVTN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát huy là lực lượng nòng cốt trong công cuộc chuyển đổi số

Chị Ntơr K’Glang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ M’rông, cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện, Hội Phụ nữ xã Đạ M’rông đã triển khai thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” trong tổ chức sinh hoạt Hội. Đơn cử, từ việc thường xuyên cập nhật và theo dõi hội viên trên phần mềm quản lý hội viên đến các văn bản đi - đến của Hội đều được xử lý trên các phần mềm quản lý văn bản, ký số và phát hành qua mạng đã phát huy rõ những hiệu quả, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lí của Hội; góp phần tạo sự thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm cho hội viên và bà con Nhân dân.

“Với đặc thù là một huyện vùng núi và có đông đồng bào DTTS, đội ngũ cán bộ Hội trong huyện luôn đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết với công tác Hội cũng như các phong trào chung của địa phương. Riêng đối với nội dung, phương thức hoạt động của Hội, thời gian qua đã có chuyển biến mạnh mẽ, linh hoạt, đổi mới và đi vào từng lĩnh vực cuộc sống. Yếu tố chính để thúc đẩy quá trình này chính là nhờ vào ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thông qua đó, các chương trình hoạt động ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trước và tạo động lực thúc đẩy cho chị em hội viên, phụ nữ tin vào tổ chức Hội; góp phần khẳng định và nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong xây dựng và phát triển quê hương”, bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên nói.

Thành công lớn luôn bắt đầu từ những bước đi nhỏ, chính những sự phấn đấu không ngừng từ cấp cơ sở đã minh chứng và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng này trong việc đóng góp những hiệu quả tích cực cho sự thành công của công cuộc chuyển đổi số nói riêng và nhiệm vụ đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn nói chung; đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

HƯƠNG LY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ban-tre/202412/gop-phan-thuc-day-cong-tac-chuyen-doi-so-o-co-so-5112175/