Góp phần thực hiện mục tiêu kép

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường học đã phải đóng cửa dài ngày. Sau hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ động tinh giản chương trình.

Đây là cơ sở để thực hiện kế hoạch năm học mà vẫn đạt được mục tiêu kiến thức khi ngành giáo dục đang chung tay cùng toàn xã hội đẩy lùi dịch bệnh.

Điều chỉnh nội dung kiến thức như thế nào?

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ hai năm học 2019-2020 thực hiện theo hướng tinh giản nội dung, chương trình để phù hợp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác ứng phó với dịch bệnh, đồng thời giúp công tác dạy và học của ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) như kế hoạch năm học. Theo đó, các cấp từ tiểu học đến THPT đều có điều chỉnh nội dung theo cách lược bớt bài học ít quan trọng mà vẫn giữ kiến thức nền tảng ở từng môn của học kỳ hai năm học 2019-2020.

 Thầy giáo Đặng Ngọc Khương, giáo viên Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện giờ dạy học từ xa trên truyền hình.

Thầy giáo Đặng Ngọc Khương, giáo viên Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện giờ dạy học từ xa trên truyền hình.

Ở cấp tiểu học, có 9 môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh như: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử... Đối với môn Tiếng Việt các lớp bậc tiểu học, rút ngắn theo hướng giữ lại kiến thức trọng tâm, đáp ứng yêu cầu của chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt. Những nội dung chủ yếu ở các bài khác nhau có cùng chủ đề được gộp vào một bài học. Các phân môn trong môn học này cũng được tích hợp với nhau theo cách, bài chính tả tích hợp với các bài tập làm văn. Một số yêu cầu về luyện nói, tập viết lên bảng con... được giảm bớt. Đối với những môn học có hoạt động trải nghiệm thực tiễn, Bộ GD&ĐT yêu cầu cắt hẳn nội dung này để phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Dù tinh giản một số nội dung của các môn học, song Bộ GD&ĐT gợi mở các cơ sở giáo dục căn cứ vào trình độ của học sinh, giáo viên và thực tế địa phương để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, bảo đảm học sinh đạt được yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng một cách chắc chắn.

Đối với chương trình giáo dục trung học (gồm THCS và THPT) cũng được điều chỉnh theo hướng cắt giảm nhiều nội dung, giữ lại những phần kiến thức nền tảng, trọng điểm. Trong đó, đối với môn thực hiện theo chương trình nâng cao và các môn học thiên về kỹ năng, như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục..., Bộ GD&ĐT giao quyền các nhà trường chủ động điều chỉnh nội dung phù hợp. Các môn học theo chương trình thông thường sẽ tiết giảm theo hướng chuyển từ bài bắt buộc thành bài học tự chọn, bài học ở nhà, gộp các nội dung hoặc không tổ chức dạy học.

Cụ thể, với môn Toán lớp 10, các phần trong phân môn Đại số được điều chỉnh ở 16 bài. Một số nội dung được cắt bỏ, đồng thời một số phần sẽ yêu cầu học sinh tự học, tự tìm hiểu kiến thức liên quan. Phần Hình học, lược bớt nội dung nâng cao và các yêu cầu riêng khi làm bài tập. Chủ yếu nội dung điều chỉnh ở phân môn Hình học trong môn Toán lớp 10 nằm ở hai chương "Tích vô hướng của hai véc-tơ" và "Ứng dụng phương pháp tọa độ trong mặt phẳng".

Với các nội dung điều chỉnh, lược bỏ, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục không tiến hành kiểm tra đánh giá; đồng thời khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự xem và làm các phần bài tập theo hướng dẫn của giáo viên; các nội dung tinh giản cũng sẽ không đưa vào đề thi, kiểm tra, kể cả thi THPT quốc gia.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, thầy giáo Đặng Ngọc Khương, giáo viên Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Các thay đổi về nội dung môn học là rất quan trọng trong thời điểm này. Sự giảm tải nội dung chương trình sẽ giúp giáo viên cũng như học sinh chủ động, linh hoạt trong dạy-học, không bị áp lực, gò bó dạy cho hết chương trình theo quy định mà ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.”

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Việc tinh giản các nội dung môn học được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục của chương trình GDPT; giữ tính logic, mạch lạc của kiến thức. Khi tinh giản nội dung, chủ yếu giảm phần nâng cao, giữ lại các kiến thức cốt lõi của môn học.

Với việc hướng dẫn chi tiết các khâu tinh giản cũng như tổ chức đánh giá quá trình học tập của học sinh, Bộ GD&ĐT đã định hướng các nhà trường, đội ngũ giáo viên sử dụng phương pháp, kỹ thuật, công cụ và hình thức khác nhau phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để tiến hành dạy học nhằm đạt được hai mục tiêu đề ra: Một là, vẫn bảo đảm tiến độ, hoàn thành kế hoạch năm học; hai là, không tập trung giáo viên và học sinh, tổ chức dạy học bằng các hình thức không giao tiếp gần để phòng, chống dịch bệnh.

Về điều này, thầy Phạm Đức Chiến, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho rằng: “Khi có chủ trương và hướng dẫn cụ thể về tinh giản kiến thức, nhà trường sẽ chủ động hơn trong việc rút ngắn thời gian dạy-học qua các hình thức không giao tiếp gần mà vẫn giữ được kiến thức trọng tâm; từ đó vừa hoàn thành mục tiêu kiến thức đề ra, vừa tham gia hiệu quả vào quá trình phòng, chống dịch Covid-19”.

BOX: “Thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", Bộ GD&ĐT đã công bố tinh giản chương trình học kỳ hai và hướng dẫn dạy/học qua internet, trên truyền hình. Mỗi thầy cô, gia đình và toàn xã hội hãy chung tay hỗ trợ, động viên, giúp đỡ học sinh học qua internet, truyền hình bảo đảm thuận lợi, chất lượng, hiệu quả”.

Bài và ảnh: TUẤN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/gop-phan-thuc-hien-muc-tieu-kep-614518