Góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội'… thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thực tế tại một số huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số của địa phương như huyện Tân Sơn, Yên Lập và Đoan Hùng, ghi nhận những đổi thay trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là các mô hình kinh tế hộ gia đình, phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được mở rộng. Có được sự đổi thay này, theo nhận định của chính quyền cũng như mỗi người dân đó là nhờ vào “lực đẩy” của các chương trình tín dụng chính sách.

Tín dụng chính sách đã giúp người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế

Tín dụng chính sách đã giúp người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế

Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, các phòng giao dịch Ngân hàng chính sách các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân… Như tại huyện Yên Lập đã và đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, hầu hết các chương trình được đồng bào các dân tộc trong huyện đánh giá cao tính hiệu quả, điển hình như chương trình cho vay hộ nghèo. Thông qua các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, các hộ nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo sinh kế, việc làm và mang lại thu nhập ổn định, giúp sớm thoát nghèo. Trong 5 năm (2014 - 2019), trên địa bàn huyện Yên Lập, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho 5.918 hộ trên địa bàn huyện vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho 258 lao động; giúp cho 103 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; 1.692 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 6.476 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 552 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

Hay như tại huyện miền núi Tân Sơn – địa phương khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, những năm qua, tín dụng chính sách cũng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, thay đổi số phận… Như vợ chồng ông Hà Xao Xuyến (63 tuổi, dân tộc Mường ở xã Long Cốc), trước đây dù chăm chỉ cấy hái, nhưng gia đình 7 miệng ăn một năm cũng chỉ đủ ăn 9 tháng, 3 tháng còn lại đói no thất thường… Sau khi được thuyết phục, nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông mua cặp trâu sinh sản. 5 năm sau, ông bán bớt trâu trả nợ ngân hàng, thậm chí còn xây được cho vợ con mình căn nhà nhỏ, kiên cố để che mưa nắng, bước ra khỏi cái nghèo. Đến năm 2015, ông vay thêm 30 triệu đồng vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn nuôi thêm trâu, trồng gần 1 héc-ta chè. Mới đây, ông đầu tư 30 hộp ong nuôi và đã thu lần đầu được 40 lít mật. Cùng với đó là gần 1 héc-ta chè đã đưa vào khai thác với sản lượng khoảng 8 tấn/năm... Nay gia đình ông đã không còn lo cái đói, cái nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá để mọi người noi theo, học tập.

Còn tại huyện Đoan Hùng, cùng với đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo các xã và các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác kiểm tra giám sát; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Toàn huyện hiện có 391 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó, Hội Nông dân có 131 tổ với dư nợ vốn vay ủy thác hơn 125 tỷ đồng; Hội Phụ nữ có 120 tổ, dư nợ vốn vay ủy thác đạt hơn 105 tỷ đồng; Hội CCB có 90 tổ, dư nợ vốn vay ủy thác hơn 80 tỷ đồng và Đoàn thanh niên có 50 tổ, dư nợ vốn vay ủy thác gần 40 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Trọng Hải – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đoan Hùng cho biết, không chỉ tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hàng năm được giao, đơn vị luôn tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, tìm mọi biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người được thụ hưởng sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, góp phần không nhỏ cho chương trình mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Linh Nhi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gop-phan-thuc-hien-tot-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-129613.html