Góp phần vơi nỗi đau của mẹ
'Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/Mình mẹ lặng yên…'
Những câu hát trong ca khúc Đất nước của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phần nào thấy được sự hy sinh thầm lặng, những mất mát, đau thương của người mẹ trong chiến tranh. Trong hòa bình, dù cho các con của mẹ không trở về song mẹ vẫn vững vàng vượt lên nỗi đau. Bởi bên cạnh mẹ luôn có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và thế hệ trẻ hôm nay.
Đoàn Thanh niên thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) thăm hỏi động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cải. Ảnh: Minh Thủy
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã, thôn 4, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) năm nay đã bước sang tuổi 95 nhưng mẹ vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Mẹ bảo: Mấy năm trước được Nhà nước hỗ trợ mổ mắt nên giờ dù tuổi đã cao nhưng mẹ vẫn nhìn rõ khuôn mặt hai anh con trai trong bức ảnh trên bàn thờ. Kể từ khi mẹ nhận được giấy báo tử, các anh không hề già đi trong suốt 50 năm qua. Mẹ Giã có 3 người con trai đi bộ đội thì hai người con không về. Các anh đã mãi mãi nằm lại tại chiến trường Lào và Campuchia. Mẹ Giã vẫn còn nhớ như in những dòng thư mà liệt sỹ Lê Thanh Hải gửi về cho mẹ. Trong thư anh viết: “Ước gì con hóa thành chim bay về với mẹ”. Mẹ Giã bảo: “Nhiều đêm mơ thấy hai đứa nó đeo ba lô về. Rồi nó lại đi. Mẹ gọi với theo thì chúng nó bảo: Con vẫn phải đi, Tổ quốc vẫn cần nên chưa về được”. Nhiều lần đi tìm hài cốt của các anh nhưng không tìm được, mẹ Giã sống trong nỗi nhớ các anh khôn nguôi. Nhờ có sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã nên mẹ Giã cũng vơi bớt nỗi đau. Mẹ bảo: “Sự kiện nào quan trọng của xã cũng được cán bộ đón ra dự. Thanh niên trong xã cũng tới đây thường xuyên giúp mẹ chăm sóc vườn rau, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa”. Phó Bí thư Đoàn xã Nguyễn Trí Tuệ cho biết, hàng năm, Đoàn xã đều vận động đoàn viên thanh niên trong xã thực hiện một công trình, phần việc giúp đỡ gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đồng thời phối hợp với các tổ chức trong tỉnh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ.
Còn Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đượm, năm nay 98 tuổi, thôn Xuân Mai, xã Hùng Đức (Hàm Yên) tuy không còn khỏe mạnh nhưng mẹ Đượm vẫn ngày ngày ngóng tin tìm được hài cốt của hai người con trai đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kỷ vật mà các anh để lại cho mẹ chẳng có gì ngoài bức ảnh đen trắng chụp trước ngày các anh nhập ngũ. Mẹ Đượm đưa đôi tay gầy guộc lên bức ảnh của liệt sỹ Vũ Hữu Giao nghẹn ngào nói: “Nó nhập ngũ khi mới 18 tuổi, nó ngoan lắm, ở nhà toàn nhận làm việc nặng thay cho các em”. Những năm qua, mẹ Đượm và gia đình con trai của mẹ luôn được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó còn thường xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Công tác chăm sóc, phụng dưỡng mẹ luôn được Đảng ủy xã quan tâm. Đảng ủy giao cho đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích trong công tác chăm sóc mẹ. Đoàn xã cũng phát động các hoạt động ý nghĩa giúp đỡ gia đình con trai của mẹ Đượm như huy động đoàn viên thanh niên phát cỏ rừng, chăm sóc vườn cây ăn quả…
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo đúng quy định. Ngoài ra, các mẹ còn được 10 tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Công tác chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng được các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức với nhiều hình thức.
Theo đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, thăm hỏi chúc Tết, tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt việc chăm lo, quan tâm, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được các cấp bộ Đoàn thực hiện bằng nhiều việc làm ý nghĩa như: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, ngày Tết; giúp đỡ ngày công lao động, trồng trọt, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp và hỗ trợ sửa chữa nhà cửa; khám tư vấn chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho các mẹ mỗi khi ốm đau... đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của thế hệ trẻ, là những việc làm ý nghĩa, bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ Việt Nam Anh hùng có cuộc sống ổn định, tinh thần sức khỏe tốt hơn.
Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng chính là nguồn động viên to lớn để xoa dịu nỗi đau mất mát của Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đồng thời, khẳng định lớp lớp các thế hệ hôm nay sẽ luôn ghi nhớ và tri ân thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/gop-phan-voi-noi-dau-cua-me-134891.html