Góp phần xây dựng Chính phủ 'liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ'

ĐBP - Hoạt động của Tổ công tác của Chính phủ trong 5 năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng Chính phủ 'liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ'. Đây là đánh giá được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Chính phủ được tổ chức sáng 16/3 theo hình thức trực tuyến.

Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Từ đòi hỏi thực tiễn và trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, ngày 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1642/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác có 11 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng.

Sau 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 2 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, Tổ công tác đã có 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp gặp phải.

Nhờ đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ có chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất. Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) số nhiệm vụ quá hạn chiếm 25,2%. Đến tháng 12/2016 - sau khi Tổ công tác thành lập được 4 tháng, đã kéo giảm tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ xuống còn 2,82% - tạo tiền đề và bước chuyển căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ giao. Đến cuối năm 2020, chỉ có 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8% - giảm 23,4% so với thời điểm Tổ công tác chưa thành lập. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay - chỉ còn nợ đọng 3 văn bản của năm 2020.

Hoạt động của Tổ công tác đã thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hợp tác quốc tế trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương làm dư luận quan tâm, bức xúc được Tổ công tác thẳng thắn chỉ ra tại các cuộc kiểm tra và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướ́ng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, tổ công tác đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

Bên cạnh đó, hoạt động của Tổ công tác cũng thúc đẩy mối quan hệ phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp ngày càng cởi mở; việc trao đổi, chia sẻ, phản ánh thông tin của doanh nghiệp trung thực, chính xác hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hoạt động của Tổ công tác là một dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ Chính phủ, đã tạo lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ mong muốn Tổ công tác cần duy trì hoạt động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/185514/gop-phan-xay-dung-chinh-phu-liem-chinh-kien-tao-hanh-dong-phuc-vu