Góp sức đưa hò thuốc cá thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hò thuốc cá, một làn điệu dân ca riêng có của người Minh Hóa vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành công đó, ngoài sự nỗ lực của cả cộng đồng, có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân dân gian, những con người thầm lặng gìn giữ và lan tỏa, để điệu hò thuốc cá trường tồn cùng thời gian…
Điệu hò riêng có
"Ai lên Minh Hóa quê mình/Điệu hò thuốc cá, thắm tình nước non/Đôi ta đi thuốc vực ròn/Tếnh (đến) khi cá chết chém tòn (đòn) mà sương/Đôi ta đi thuốc giác (nước) vung /Tếnh (đến) khi cá chết vốc (kêu) làng tếnh (đến) xia (chia)...". Đó là những lời ca của điệu hò thuốc cá, một điệu hò đặc sắc, riêng có, thể hiện rõ nét cuộc sống, lao động, sinh hoạt, tâm tư tình cảm của người Minh Hóa, đã tồn tại rất lâu đời ở miền đất sơn cước này.
Theo ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa, hò thuốc cá có liên quan mật thiết đến lao động, sản xuất, mang đậm nét riêng của người Minh Hóa. Cuộc sống của người Minh Hóa xưa chủ yếu dựa vào săn bắt, làm nương rẫy, đánh ong lấy mật và thịnh hành nhất là nghề thuốc cá. Người dân Minh Hóa đi thuốc cá là đi tập thể chứ không đi riêng lẻ.
Vào mùa đông và mùa xuân, người dân Minh Hóa kéo nhau đi từng đoàn lên rừng bới rễ cây tèng, sau đó, họ mang ra suối, khe, tìm chỗ nào có nhiều cá nhất, rồi chọn một chỗ cao ở đầu suối, khe, lấy đá xếp vòng tròn để tạo thành một cái cối. Xếp cối xong, họ lấy rễ cây tèng đã được ủ chín bỏ vào cối, rồi chặt những cây rừng thẳng, dài khoảng 1,5m, to vừa tay cầm, vát nhọn một đầu để làm chày giã thuốc. Họ giã cho nước rễ cây tèng chảy ra, hòa vào dòng nước, làm cho cá bị mờ mắt say thuốc, nổi lên mặt nước để họ có thể bắt cá dễ dàng.
Ngoài loại rễ cây tèng, người ta cũng dùng rễ cây hôi hôi và lá cây cơn cơn (mọc bên suối) để làm thuốc đánh cá. Có một điều đặc biệt là các loại cây có độc tố này chỉ làm cho riêng một số loài cá bị say, bị chết, nhưng lại vô hại đối với các loài thủy sản khác (như cá lóc, cá chạch, lươn, ốc…), kể cả con người khi ăn cá cũng không hề bị ảnh hưởng gì. Khi cá bị bắt hết, thì độc tố của rễ cây cũng không còn ảnh hưởng gì đến dòng nước nữa.
Để cho động tác giã thuốc thật nhịp nhàng, đều đặn và để tạo không khí vui tươi, quên đi mệt nhọc, người ta cất lên tiếng hò. Điệu hò thuốc cá ra đời trong hoàn cảnh đó và lưu truyền cho đến ngày nay. Đối qua, đáp lại, trải qua thời gian, nội dung của điệu hò thuốc cá ngày càng phong phú
Và nhờ giai điệu đơn giản, lời ca mộc mạc, có không khí rộn ràng, dễ vận dụng với khổ thơ lục bát và với bất cứ nội dung nào, nên ngoài việc sử dụng điệu hò thuốc cá trong việc đánh bắt cá, người Minh Hóa dần dần sử dụng làn điệu này trong các dịp lễ, hội, Tết, cưới hỏi, đâm bồi, đập bắp, đắp đập thủy lợi, đặc biệt là trong Hội rằm tháng ba với những điệu hò đối đáp giao duyên rất tình tứ. Đã có nhiều trai thanh, nữ tú vì điệu hò thuốc cá mà kết thành đôi lứa, thành vợ thành chồng:"Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vợ ai đâm bồi anh ăn?"
Những người tâm huyết
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa chia sẻ: Khi nhận được thông tin hò thuốc cá được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hầu hết người dân Minh Hóa đều rất vui mừng, nhưng vui nhất có lẽ là những người làm văn hóa và những nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện.
Hiện, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 10 người được công nhận là nghệ nhân dân gian. Nhiều năm qua, họ là những người thầm lặng bảo tồn và lan tỏa giá trị của hò thuốc cá. Tiêu biểu như các nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, Trần Khánh Nguyên, Đinh Thanh Đàn, Đinh Thị Hà, Cao Thị Hương, những người am hiểu hò thuốc cá từ lúc 15-16 tuổi và hàng chục năm qua, họ âm thầm giữ gìn, phát triển giá trị của điệu hò thuốc cá, mặc dù chẳng có một đồng thù lao nào cả.
Nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, thành viên “gạo cội” của câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca huyện Minh Hóa chia sẻ: “Trong các làn điệu dân ca mà tôi từng hát, hò thuốc cá có lẽ là làn điệu tôi hát hay nhất và thành công nhất. CLB đàn và hát dân ca của huyện Minh Hóa đã nhiều lần mang điệu hò thuốc cá đi biểu diễn ở các sân khấu lớn tại các tỉnh, thành trong nước, được khán giả rất yêu thích và nhiều lần đạt giải cao nhất. Hôm nay, tôi thật sự vui mừng khi hò thuốc cá được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào và cơ hội để điệu hò của quê hương Minh Hóa được phát triển hơn nữa”.
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa khẳng định: Việc hò thuốc cá được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của người dân Minh Hóa. Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian, đặc biệt là hò thuốc cá. UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện phối hợp đưa hò thuốc cá vào trường học, đồng thời, hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên các CLB văn nghệ dân gian trong cộng đồng…
Hiện nay, toàn huyện Minh Hóa có 6 CLB đàn hát dân ca ở các xã Xuân Hóa, Yên Hóa, Trung Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, thị trấn Quy Đạt và 3 CLB trẻ trong trường học với hàng trăm thành viên. Điệu hò thuốc cá cũng đã được đưa vào giảng dạy trong tất cả các trường học ở huyện Minh Hóa. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và tỉnh cũng đã đưa hò thuốc cá vào chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn dân ca… Đây là những nhân tố tích cực giúp bảo tồn và phát huy giá trị của hò thuốc cá.
“Huyện đang có chủ trương tăng cường quảng bá, khai thác giá trị của hò thuốc cá để phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống cộng đồng. Chúng tôi mong muốn, sẽ có nhiều sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ các cấp, ngành để bảo tồn, phát huy giá trị của hò thuốc cá trong thời gian tới.", ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chia sẻ.