Góp sức làm đẹp quê hương
Mong quê hương đẹp hơn và ngày càng phát triển, những người dân ở thôn Bản Pho, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) đã góp sức, góp của xây dựng cổng thôn, tạo điểm nhấn phát triển du lịch.
Chúng tôi biết đến anh Đỗ Xuân Tựa, thôn Bản Pho từ những đóng góp của anh với hoạt động thiện nguyện cùng Câu lạc bộ Chung tay vì trẻ em Sa Pa, thông qua việc vẽ tranh đường phố góp phần tô đẹp cho “Sa Pa thành phố trong sương” và là người có ý tưởng sáng tạo với đá suối Mường Hoa. Lần này, chúng tôi càng ấn tượng hơn với công trình xây dựng cổng thôn Bản Pho để làm đẹp, tạo điểm nhấn giúp quê hương phát triển du lịch.
Ý tưởng xây dựng cổng thôn được Giàng A Dũng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mường Hoa, Trưởng thôn Bản Pho ấp ủ sau lần đến thăm, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (năm 2020). Ý tưởng đã có nhưng Dũng chưa có cơ hội thực hiện vì thiếu kinh phí và chưa gặp được người tâm huyết giúp sức. Cuối năm 2021, Dũng gặp anh Đỗ Xuân Tựa, đề xuất ý tưởng thiết kế và vận động anh Tựa tham gia.
Giàng A Dũng tâm sự: Cách làm du lịch cộng đồng ở Lai Châu để lại cho tôi nhiều ấn tượng, nhất là việc xây dựng các công trình như cổng thôn, cổng nhà, vừa làm đẹp cho thôn, vừa tạo thành những điểm check-in cho du khách. Tôi may mắn khi gặp thầy giáo Tựa giúp lên ý tưởng thiết kế, kêu gọi mọi người góp của, giúp sức xây dựng cổng thôn.
Là thầy giáo mỹ thuật từ miền xuôi lên Sa Pa công tác và định cư ở thôn Bản Pho gần 20 năm, anh Tựa luôn trăn trở vì chưa góp được công trình nào ý nghĩa cho “quê hương thứ 2” của mình. Nhận lời đề nghị của Giàng A Dũng, anh Tựa phác thảo, hoàn thiện ý tưởng thiết kế trên giấy và bắt tay vào thi công khi có đủ vật liệu.
“Tôi muốn làm một công trình cổng thôn khác biệt, mang bản sắc riêng của vùng đất Mường Hoa” - anh Tựa chia sẻ.
Lấy cảm hứng từ bãi đá cổ và cây rừng, sau nhiều lần phác thảo, vẽ, sửa, anh Tựa đã hoàn thành bản thiết kế cổng thôn Bản Pho, sau đó cùng Giàng A Dũng vận động người dân và một số hộ kinh doanh đóng góp tiền mua vật liệu. Sau 1 tháng thi công, cổng Bản Pho với cột trụ là 2 cây cổ thụ mọc ôm lấy tảng đá, kết nối bằng cành và lá cây với dòng chữ “Thôn văn hóa Bản Pho xã Mường Hoa kính chào quý khách” đã hoàn thành. 2 cột trụ, anh Tựa chọn sơn màu xanh rêu làm nổi bật vẻ rêu phong cổ kính, giống như những cây rừng cổ thụ trên dãy Hoàng Liên Sơn. Còn lá rừng được sơn màu vàng như lá mùa thu, vì anh Tựa cho rằng, mùa thu là mùa đẹp nhất ở Mường Hoa. Tổng chi phí xây cổng thôn ước tính gần 30 triệu đồng, do người dân trong thôn đóng góp. Toàn bộ phần thiết kế, thi công do anh Tựa và 2 cộng sự thực hiện, không tính vào chi phí xây dựng.
“Sau này, tôi sẽ nghiên cứu thêm những họa tiết khắc trên bãi đá cổ để tái hiện trên tạo hình tảng đá ở cột cổng thôn” - anh Tựa “bật mí”.
Là người kinh doanh mô hình homestay và có điểm bán hàng cho khách du lịch tại thôn Bản Pho, chị Vàng Cồ Chấn bộc bạch: Chúng tôi rất vui vì có cổng thôn tạo ấn tượng tốt với du khách. Hằng ngày, ngồi đối diện cổng thôn, tôi thấy nhiều du khách dừng lại hỏi thông tin, chụp ảnh. Họ rất thích và dành nhiều lời khen ngợi đối với công trình này. Chúng tôi mong có thêm nhiều công trình tạo điểm nhấn để giúp thôn bản đẹp hơn, góp phần thu hút khách và phát triển du lịch cộng đồng.
Đi nhiều nơi, đến nhiều địa phương có xây dựng cổng thôn nhưng ít nơi nào gây ấn tượng với chúng tôi như cổng thôn Bản Pho. Không quá cầu kỳ, nhiều chi tiết nhưng cổng thôn Bản Pho vẫn nổi bật và khác biệt vì mang những nét đặc trưng của vùng đất Mường Hoa với đá và cây rừng. Chắc chắn với sự khác biệt đó, cổng thôn Bản Pho sẽ giúp nơi đây níu chân du khách lâu hơn, để du lịch cộng đồng phát triển, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355144-gop-suc-lam-dep-que-huong