Góp sức thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam
Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam vừa được thành lập nhằm thực hiện vai trò bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp điện ảnh, góp phần phát triển điện ảnh nước nhà.
Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội, để tìm hiểu về phương hướng hoạt động của tổ chức non trẻ này.
Phóng viên (PV): Sự ra đời của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong đời sống điện ảnh hiện nay, thưa bà?
Tiến sĩ Ngô Phương Lan: Nhiều quốc gia đều đã thành lập những tổ chức có chức năng tương tự như hiệp hội và hoạt động rất hiệu quả. Tên gọi có thể khác nhau nhưng về cơ bản đều hướng đến nhiệm vụ thực hiện chức năng hỗ trợ các hoạt động đầu tư sản xuất, liên kết với các nhà làm phim trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu điện ảnh, quảng bá bối cảnh quay phim, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động sản xuất phim. Bên cạnh đó, hiệp hội còn có nhiệm vụ thu hút các đoàn sản xuất phim quốc tế vào quay phim và tạo mọi điều kiện cho hoạt động sản xuất phim được diễn ra một cách thuận lợi, tuân thủ đúng pháp luật của nước sở tại. Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ ngành du lịch, góp phần phát triển và tăng nguồn thu cho nền kinh tế.
PV: Bà có thể cho biết sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp điện ảnh cũng như lãnh đạo Chính phủ với hiệp hội sau khi thành lập?
Tiến sĩ Ngô Phương Lan: Đa số doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam có tên tuổi hiện nay đều gia nhập, một số còn tham gia ban chấp hành hiệp hội. Điều đó khiến chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra để thực sự xứng đáng là tổ chức tập hợp, đại diện quyền lợi của các doanh nghiệp điện ảnh. Vinh dự cho hiệp hội là ngay sau khi thành lập, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ thân tình, trao đổi thẳng thắn, cổ vũ động viên ban chấp hành hiệp hội hoạt động tích cực, hiệu quả.
PV: Vậy hiệp hội sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển trong thời gian tới, thưa bà?
Tiến sĩ Ngô Phương Lan: Việc thành lập hiệp hội vào thời điểm này là nhu cầu khách quan, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh Việt Nam. Hiệp hội ra đời góp phần kết nối, hỗ trợ các nhà sản xuất và doanh nghiệp điện ảnh sản xuất ra nhiều bộ phim có chất lượng nội dung và nghệ thuật, mang đậm tính nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc; thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Xu hướng hội nhập của điện ảnh Việt Nam ngày càng mở rộng, đòi hỏi có tổ chức gắn kết các nhà sản xuất phim trong nước với nước ngoài. Hiệp hội đặt mục tiêu gia nhập và hợp tác với nhiều tổ chức, đặc biệt tham gia Mạng lưới Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh châu Á (AFCnet).
Một số dự án làm phim lớn của nước ngoài đã được thực hiện tại Việt Nam như: “Đông Dương”, “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Kong: Đảo đầu lâu”… giúp nước ta được nhiều nhà sản xuất phim quan tâm như một điểm đến hấp dẫn của các dự án phim tầm cỡ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một tổ chức chính thức nào thực hiện nhiệm vụ tập hợp các nhà sản xuất phim, các nhà đầu tư kết nối, hỗ trợ các hãng phim nước ngoài đến Việt Nam hợp tác sản xuất phim. Về hành chính và cơ chế, chính sách, khi thực hiện chức năng của mình, hiệp hội giúp đỡ các dự án làm phim gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc xin cấp các loại giấy phép. Hơn nữa, hiệp hội sẽ đề xuất bổ sung một số quy định khả thi và phù hợp tạo điều kiện cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu trang thiết bị hay ưu đãi thuế cho đoàn phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế.
Trong nhiệm kỳ I của hiệp hội, 6 vấn đề lớn trong kế hoạch hoạt động được đề ra, bao gồm: Xây dựng bộ tài liệu tổng hợp giới thiệu về môi trường làm phim tại Việt Nam, thu hút các dự án phim nước ngoài vào Việt Nam và xúc tiến phát triển hợp tác làm phim với đối tác nước ngoài; xây dựng kho dữ liệu điện ảnh Việt Nam; hỗ trợ liên kết và bảo vệ quyền lợi các nhà sản xuất phim; tư vấn, đề xuất về xây dựng chủ trương, chính sách điện ảnh; đào tạo nhân lực; quảng bá hình ảnh của hiệp hội và phát triển hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế. Hiệp hội cũng sẽ quan tâm bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư, nhà sản xuất điện ảnh trong nước bởi hiện nay các cá nhân, tổ chức sản xuất phim Việt Nam chưa được hỗ trợ, hoặc đang gặp khó khăn trước sự chiếm lĩnh của các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!