Góp thêm lời đề nghị về việc đầu tư, tôn tạo và nâng cấp các di tích lịch sử

Là một đảng viên 55 năm tuổi Đảng, đọc bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi thấy rất phấn khởi và tin tưởng. Phấn khởi vì sự phát triển của tỉnh và sự trưởng thành của Đảng bộ. Tin tưởng vì những tốt đẹp chắc chắn sẽ đến trong giai đoạn 2021 - 2025 để tỉnh Quảng Trị 'đạt đến trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước'. Từ một tỉnh bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề, điểm xuất phát cực kỳ thấp mà đến năm 2030 'Nằm trong nhóm 30 tỉnh phát triển của cả nước', thật sự là một bước tiến ngoạn mục và lớn lao.

 Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở Di tích lịch sử Thành Tân Sở, vùng Cùa, Cam Lộ - Ảnh: PV

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở Di tích lịch sử Thành Tân Sở, vùng Cùa, Cam Lộ - Ảnh: PV

Bước đường phấn đấu ấy được xác định với quan điểm nhất quán là “Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, phát huy sức mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử và con người Quảng Trị”. Đó là sự xác định đúng đắn và rất cơ bản.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy về việc góp ý kiến về bản dự thảo, tôi xin được góp thêm lời đề nghị về vấn đề cụ thể trong việc đầu tư, tôn tạo và nâng cấp các di tích lịch sử của tỉnh.

Đảng ta luôn xác định “Văn hóa là động lực phát triển”. Để làm được điều đó rất nhiều việc cần làm và phải làm. Trong đó có vấn đề tập trung đầu tư, tôn tạo và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử. Bởi vì đó không chỉ là sự trân trọng và trung thực đối với lịch sử mà còn là “cốt vật chất” để góp phần hình thành điều mà các nhà lý luận về văn hóa cho rằng sẽ tạo ra “hằng số văn hóa”, “phông văn hóa” cho mỗi người, là cái gốc để đi tới ý thức và trách nhiệm công dân để đồng lòng xây dựng đất nước. Trong dự thảo đã thể hiện rõ điều này. Ở phần danh mục đầu tư ưu tiên đã ghi rõ 3 di tích, đó là: Công viên Thống Nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; là tu bổ, tôn tạo Khu di tích tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và nâng cấp Di tích Thành Cổ Quảng Trị. Đó là chủ trương và quyết định không chỉ đúng mà còn rất trúng.

Tuy nhiên, từ thực tế tôi xin đề nghị cụ thể thêm về hai vấn đề sau:

1. Trong lịch sử, Quảng Trị chưa bao giờ là thủ đô nhưng đã 3 lần là kinh đô của đất nước vào 3 thời điểm quan trọng của vận nước.

- Lần thứ nhất: Đó là tháng 10 năm 1558, Đoàn Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và định đô ở Ái Tử - Triệu Phong. Trong gần 60 năm với 3 lần di chuyển (Ái Tử - Trà Bát - Dinh Cát), ông không chỉ có những đổi mới to lớn tại đây mà còn mở đầu cho cuộc Nam tiến với khát vọng non sông to lớn để có Tổ quốc hình chữ S (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) như hôm nay. Sau khi triều đình đã định đô ở Huế, Quảng Trị được xem là tiền dinh.

- Lần thứ hai: Đó là Thành Tân Sở - Cam Lộ (vùng Cùa Cam Lộ, địa bàn của hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa ngày nay). Bởi vì sau khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội thì Huế trở thành nguy cơ tiếp theo nên Triều đình nhà Nguyễn với nhà vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi quyết định phải xây dựng một thủ phủ kháng chiến để chống Pháp. Tân Sở (tức là Sở mới) được xây dựng từ năm 1885. Kỳ vỹ Quận Công Nguyễn Văn Tường (người Triệu Phong, Quảng Trị) được giao trách nhiệm chọn địa điểm, phác thảo mô hình kiến trúc và tổ chức lực lượng thi công. Triều đình đã chuyển ra 400 thùng vàng, 500 thùng bạc và điều động nhân lực có lúc 15.000 người. Tiếc thay, ngày 19/9/1885 đại úy Pháp Bastide với vũ khí tối tân và số lượng áp đảo đã đánh chiếm và san phẳng tòa thành này. Thành Tân Sở là biểu tượng sâu đậm về ý chí khát khao độc lập không chỉ của nhà vua và các đại thần yêu nước mà còn là ý chí cao cả vì độc lập của toàn dân tộc. Minh chứng đó là sự nổi dậy khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp.

- Lần thứ ba: Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 6/5/1973 tại địa điểm thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ ngày nay. Đây là minh chứng sinh động cho sự phát triển vượt bậc của cách mạng miền Nam sau 19 năm chiến đấu và cũng là khát vọng cháy bỏng vì độc lập, tự do của dân tộc. Vì thế chỉ hơn một năm hoạt động, tại đây đã đón 45 đoàn quốc tế (đặc biệt là đoàn của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và đồng chí Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) và 109 đoàn đại biểu trong nước đến chúc mừng.

2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đã giành được thắng lợi rực rỡ, toàn diện. Đó là kết quả của đường lối lãnh đạo sáng suốt, sáng tạo của Đảng và ý chí ngoan cường, bất khuất của toàn dân, đồng thời cũng là kết quả của nghệ thuật chiến tranh nhân dân tài tình để đánh thắng kẻ thù có sức mạnh to lớn và kỹ thuật tối tân. Rất nhiều di tích lịch sử khác có thể phản ánh điều này nhưng địa danh Cồn Tiên - Dốc Miếu với hàng rào điện tử Mc.namara là minh chứng tiêu biểu có sức thuyết phục to lớn nhất. Bởi vì đây là nơi mà đối phương đã huy động hàng trăm bộ óc kỹ thuật cao siêu nhất, bỏ ra hàng tỉ đô la và hãnh diện mang tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn trước sức mạnh và hiệu quả của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Tôi hiểu rằng với một tỉnh có số lượng di tích lịch sử phong phú, đồ sộ (hơn 500 di tích) trong khi tiềm lực tài chính lại rất eo hẹp nên đây sẽ là một bài toán khó, dù vậy trong các công trình trọng điểm được ưu tiên đầu tư nên bổ sung danh mục 3 thủ phủ nói trên và di tích hàng rào điện tử Mc.namara. Bằng ngân sách (trung ương, địa phương), bằng các nguồn từ chủ trương xã hội hóa và sự thuyết phục của chúng ta với các bộ, ngành và địa phương liên quan, hy vọng trong 5 năm (2021 - 2025) sẽ đầu tư, tôn tạo và nâng cấp được các di tích này thì ý nghĩa và tác dụng thật to lớn.

Nói tới văn hóa là nói đến bản sắc văn hóa. Xây dựng bản sắc văn hóa ở một địa phương không thể không gắn với những di tích rất đặc thù như là “hồn cốt” của mảnh đất mà sử sách xưa nay từng xem là “thủ phủ”, “trọng trấn”, “trấn biên”, “phên dậu”, là “chiến trường trọng điểm”… như Quảng Trị.

Làm được điều này chắc chắn sẽ làm cho ý thức và trách nhiệm công dân của người Quảng Trị càng được nâng cao và do đó ý tưởng “khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khẳng định sẽ càng có điều kiện hiện thực hóa.

Trương Sỹ Tiến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=151285