Góp vốn bằng tài sản phải định giá như thế nào?

Tôi dự định góp vốn bằng tài sản vào công ty cổ phần của bạn để cùng kinh doanh. Tài sản góp vốn là 1 chiếc xe ô tô, chiếc xe này tôi mua được 2 năm với giá 1 tỷ đồng. Xin hỏi, giá trị của chiếc ô tô sẽ được xác định như thế nào?

Góp vốn bằng tài sản phải định giá như thế nào?

Bạn đọc có email namthanhXX@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Doanh nghiệp Việt Nam hỏi: Tôi dự định góp vốn bằng tài sản vào công ty cổ phần của bạn để cùng kinh doanh. Tài sản góp vốn là 1 chiếc xe ô tô, chiếc xe này tôi mua được 2 năm với giá 1 tỷ đồng. Xin hỏi, giá trị của chiếc ô tô sẽ được xác định như thế nào?

Luật gia Cấn Thị Phương Dung, công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.

Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Như vậy, trong trường hợp này, tài sản góp vốn phải được Hội đồng quản trị và bạn thỏa thuận giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật, bạn đọc có thể liên lạc với Phòng Tư vấn pháp luật qua: Điện thoại: 0966770000 Email: hotrodoanhnghiep@doanhnghiepvn.vn hoặc trực tiếp tại tòa soạn Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (Phòng A125, 37 Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội). Hoặc trực tiếp tại trụ sở Công ty Luật TNHH YouMe (Tầng 3, số 33 Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vào giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 7 và Chủ nhật.

Sưu tầm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/gop-von-bang-tai-san-phai-dinh-gia-nhu-the-nao/20200508100334801