Góp ý bản thảo 'Thanh Hóa quan phong'
Chiều 18-7, Nhà Xuất bản Thanh Hóa tổ chức hội nghị góp ý bản thảo 'Thanh Hóa quan phong', tác giả Vương Duy Trinh; dịch, chú giải và giới thiệu: ThS. Vũ Ngọc Định; hiệu đính: GS.TS. Đinh Khắc Thuân. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các nhà nghiên cứu về Hán Nôm.
Lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản Thanh Hóa cùng các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu Hán Nôm.
“Thanh Hóa quan phong” là tác phẩm viết bằng chữ Nôm, có phần ghi tiếng thổ âm và chữ Thái. Sách là tập hợp những sưu tầm sáng tác dân ca, phong tục tập quán của các địa phương tỉnh Thanh Hóa.
Sách tập trung khai thác các chủ đề: Tín ngưỡng, kinh nghiệm dân gian thời tiết, mùa vụ trong lao động sản xuất nông nghiệp, cha mẹ giáo huấn con cái, khuyên con học hành, vợ chồng khuyên nhau làm điều tốt, hát giao duyên, mừng được mùa… Phần ghi chép về các châu miền núi có ghi cả tiếng địa phương bằng chữ Nôm, chữ Thái gọi là tiếng châu, sau đó dịch ra tiếng Kinh gọi là tiếng chợ.
Toàn cảnh hội nghị.
Bản sách “Thanh Hóa quan phong” kí hiệu VHv.1370 là bản do Hải Dương Liễu Văn đường khắc in lại dựa trên bản “Hạc Thành Mật Đa tự tàng bản”. Đây là bản mà dịch giả dùng làm cơ sở để phiên dịch. Trong quá trình phiên dịch, nhận thấy đây là bộ sách quý, mục đích mà tác giả Vương Duy Trinh viết sách này cũng không nằm ngoài mục đích “trần thi quan phong” tốt đẹp của nước ta thời đó.
PGS-TS Nguyễn Tá Nhí, Viện nghiên cứu Hán Nôm góp ý bản thảo.
Về kết cấu, sách được chia làm 2 phần: Phần 1 Phiên diễn âm Nôm; phần 2 gồm một số bài viết ngắn khảo mang tính gợi mở về các nội dung chính trong sách “Thanh Hóa quan phong” và nguyên văn chữ Nôm.
TS. Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh Thanh Hóa góp ý bản thảo.
Tuy nhiên, trong quá trình dịch chú có rất nhiều khó khăn trong việc phiên diễn âm Nôm. Ví dụ như, đối với việc phiên âm âm đọc cho tiếng Thái ở phần các châu, tùy từng địa phương mà thổ âm, cách phát âm có đôi chỗ khác nhau ở phần thanh điệu và âm điệu dẫn đến khác nhau trong phát âm. Nhiều đoạn văn, thơ sử dụng nhiều điển tích, điển cố, trích cú trong thơ ca, lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc cổ trung đại dẫn đến cần phải chú thích, chú giải rất nhiều. Nhiều chữ Nôm trong sách đã không thể hiện trên phần mềm đánh chữ Nôm hiện nay, nên buộc phải sử dụng phương pháp ghép hai chữ Hán lại với nhau hoặc dùng chú thích để dẫn giải.
TS. Hoàng Bá Tường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phát biểu ý kiến và đóng góp vào nội dung bản thảo.
Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu về Hán Nôm, các nhà chuyên môn đã phân tích, góp ý nội dung bản thảo, như: Phần phiên âm dịch nghĩa còn đôi chỗ chưa tốt, nên khảo cứu kỹ hơn về tác giả; sắp xếp lại bố cục nội dung cuốn sách để người đọc dễ tiếp cận. Các bài khảo cứu nên mở hướng nghiên cứu, dùng phụ bản rõ ràng hơn. Phần chú thích các điển tích cần được đầu tư kỹ hơn, phần dịch cần sát nghĩa hơn, bổ sung thêm chú thích về các địa danh. Dịch giả cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để chỉnh sửa hoàn thiện tác phẩm tốt hơn.
ThS. Vũ Ngọc Định cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp.
Thay mặt Nhà xuất bản Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Thanh Hóa và ThS. Vũ Ngọc Định đã gửi lời cảm ơn tới các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu Hán Nôm; đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp, để bản thảo cuốn sách được hoàn chỉnh tốt hơn.