Góp ý bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng

Ngày 20/8, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo đề án bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng. Đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự và phát biểu tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có đồng chí Bùi Đình Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bùi Đình Thi đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bùi Đình Thi đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày dự thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng; thống nhất cao các nội dung quy chế bầu cử. Việc cụ thể hóa quy chế bầu cử được gắn với lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp và công tác cán bộ theo chỉ thị của Bộ Chính trị; các quy định, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; dễ hiểu, dễ thực hiện, là một bước tiến mới trong thực hiện mở rộng dân chủ, đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong bầu cử...

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng cũng bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung như công tác chuẩn bị nhân sự một số nơi còn chưa kỹ; một số ít cấp ủy viên, đảng viên chưa đề cao trách nhiệm trong đề cử và nhận đề cử, vi phạm quy chế bầu cử; việc thực hiện nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, đoàn thư ký còn hạn chế, chưa linh hoạt trong xử lý tình huống phát sinh trong quá trình bầu cử.

Một số nội dung quy định về số dư trong quy chế bầu cử còn chưa cụ thể, quy định đối với việc ứng cử, đề cử tại Đại hội còn chưa thật sự chặt chẽ... Do đó cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ trong Quy chế bầu cử.

Dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng đề xuất sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên 7 chương, nhưng giảm 2 điều (còn 36 điều) so với quy chế hiện hành.

Tại hội nghị, với tinh thần trách nhiệm cao, các địa phương trong cả nước đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng tập trung vào bố cục, đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sửa đổi, bổ sung một số cụm từ tại một số điều...

Đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi quy chế bầu cử trong Đảng, đồng chí Bùi Đình Thi - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị Trung ương bổ sung cụm từ “Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra” tại khoản 1, Điều 4- Nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội và diễn đạt lại như sau: “Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ Nhất bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, C hủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra theo quy định”.

Đề nghị bổ sung các cụm từ “Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra” tại khoản 8, Điều 5 - Nhiệm vụ của Đoàn Chủ tịch đại hội.

Tại khoản đ, Điều 9 - Ứng cử và thủ tục ứng cử, đề nghị thay thế cụm từ “huyện và tương đương” bằng cụm từ “cơ sở” trong câu: “Đảng viên không phải là đại biểu của đại hội nếu ứng cử vào cấp huyện và tương đương trở lên, thì chậm nhất 15 ngày làm việc trước khai mạc đại hội phải hoàn chỉnh hồ sơ ứng cử nộp cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội”. Và bổ sung thêm nội dung trong danh mục hồ sơ ứng cử phải có “kết luận về tiêu chuẩn chính trị của cơ quan có thẩm quyền”.

Tại Điều 16 - Danh sách trích ngang của các ứng cử viên, để đảm bảo rõ nghĩa, tránh nhầm lẫn, đề nghị Trung ương bổ sung từ “cấp” vào sau cụm từ “Đảng bộ” trong câu: “Từ đại hội Đảng bộ cơ sở trở lên, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, Đoàn Chủ tịch đại hội cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên...”.

Tại khoản 6, Điều 30- Cách tính kết quả bầu cử, nhằm tránh tình trạng việc bầu nhiều lần vẫn không xác định được người trúng cử và mất nhiều thời gian trong khâu chuẩn bị, tăng tính phức tạp ảnh hưởng tâm lý của nhân sự và đại biểu dự hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị Trung ương xem xét lựa chọn 1 trong 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên như Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành.

Phương án 2: Đề nghị Trung ương xem xét thay đổi nội dung: “Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, thì tiến hành bầu tiếp cho đến khi xác định được người trúng cử” theo hướng: “Trường hợp bầu lại lần 2 mà số phiếu vẫn bằng nhau mà không xác định được người trúng cử thì dừng lại báo cáo cấp ủy cấp trên”...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh: Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, các tỉnh, thành bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng giúp Bộ Chính trị xem xét bổ sung, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp.

Nguyên tắc bổ sung, sửa đổi phải tuân thủ theo điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, liên thông với các văn bản của Đảng; tính ổn định, kế thừa và phát triển; phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng ngoài tăng cường sự lãnh đạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ còn xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đại biểu đại hội, đảng viên trong việc ứng cử, đề cử; bảo đảm chặt chẽ quy trình, thủ tục về ứng cử, đề cử và sự công bằng trong việc đề cử, giới thiệu nhân sự để bầu cử.

Quy chế bầu cử đề nghị sửa đổi, bổ sung phải kế thừa những nội dung còn phù hợp với Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành; cập nhật những nội dung trong Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 35 – CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 03- HD/TW, ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư và sẽ được biên tập, bố cục lại một số nội dung, diễn đạt lại một số câu chữ đảm bảo chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, không làm thay đổi bản chất Quy chế bầu cử trong Đảng.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để Ban Tổ chức Trung ương hoàn thiện Đề án Quy chế bầu cử trong Đảng trình Bộ Chính trị

Lê Thương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gop-y-bo-sung-sua-doi-quy-che-bau-cu-trong-dang-217483.htm