Góp ý các nội dung đất quốc phòng, an ninh trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Chiều 23-8, tại Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng góp ý vào các nội dung liên quan đến đất quốc phòng, an ninh trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. Cùng dự có Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, tác động đến toàn xã hội. Đến nay, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các quy định về loại đất quốc phòng, an ninh đã thể hiện tương đối đầy đủ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua phối hợp thẩm tra, nghiên cứu báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về loại đất quốc phòng, an ninh, cho thấy còn một số vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng thống nhất với các cơ quan trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo để có sự phối hợp thẩm tra, kiến nghị cụ thể trực tiếp vào Dự thảo Luật, để Dự thảo Luật trình ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội và được thông qua đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng liên quan đất quốc phòng, an ninh.
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, qua rà soát, đối với Dự thảo Luật Đất đai lần này có 76 nội dung liên quan đến đất quốc phòng, an ninh, đây là khối lượng tương đối lớn.
Nói về một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết: Luật Đất đai năm 2013 và văn bản quy định chi tiết chưa quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện thu hồi đất quốc phòng để sử dụng vào mục đích khác. Thực tế hiện nay một số địa phương vẫn đang áp dụng quy định này và yêu cầu đơn vị Quân đội và Bộ Quốc phòng bàn giao đất cho địa phương. Do đó, thực tiễn việc chuyển mục đích sử dụng, thu hồi đất quốc phòng để sử dụng vào mục đích khác thực hiện không thống nhất, áp dụng pháp luật mang tính chất vận dụng.
Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết chưa quy định thẩm quyền điều chuyển đất quốc phòng, giao quản lý đất quốc phòng trong nội bộ Bộ Quốc phòng.
Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại tá Nguyễn Việt Anh đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về đất quốc phòng, an ninh; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ cho cơ quan thực hiện quản lý đất quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tại khoản 3, Điều 68 của Dự thảo Luật đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đối với đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang để có cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình cán bộ quân đội trong việc bàn giao các khu gia đình quân nhân hình thành trước ngày 1-7-2014 (ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2013) ra địa phương quản lý, xử lý.
Đại diện Bộ Công an thông tin, tính đến tháng 8-2023, Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 194 phương án sử dụng đất an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Trong đó, 128 phương án sử dụng đất an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; 48 phương án xử lý tiếp tục thực hiện hợp đồng; 11 phương án chấm dứt hợp đồng liên doanh, liên kết; 7 phương án đã phê duyệt.
Đại diện Bộ Công an cho rằng, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cần thiết đưa các nội dung chi tiết quy định tại Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội vào nội dung Luật Đất đai (sửa đổi). Vì Nghị quyết số 132/2020/QH14 sẽ hết hiệu lực khi Luật Đất đai hiện hành được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan giúp cho Chính phủ xây dựng báo cáo đề xuất cụ thể những điều nào của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội được luật hóa. “Luật hóa như thế có đúng không, có tháo gỡ vướng mắc không. Tinh thần là cái gì đã rõ thì luật hóa, còn chưa rõ nên giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng, chứ không hô hào luật hóa ngay”, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Về vấn đề chuyển đất quốc phòng làm nhà ở, Thượng tướng Trần Quang Phương yêu cầu vấn đề này phải tính toán, phải đúng quy hoạch của địa phương và được Chính phủ phê duyệt. Theo Thượng tướng Trần Quang Phương, đất quốc phòng được chia làm 3 loại gồm: Đất quốc phòng; đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế; không phải đất quốc phòng nhưng do các đơn vị quân đội quản lý và làm kinh tế, đó là các khu kinh tế quốc phòng do các đoàn kinh tế quốc phòng và một số đơn vị có chức năng làm kinh tế quản lý theo dự án. Mỗi loại đất này cần phải có chính sách cụ thể.
Tin, ảnh: LA DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.