Góp ý Đề án chính quyền đô thị TPHCM và lập TP Thủ Đức
Ngày 11/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị góp ý Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã nhận được Thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng ba Đề án: Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 2021.
Hội nghị này, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo hai Đề án để xin ý kiến tại Hội nghị. Riêng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xem xét, cho ý kiến.
Cổng Thông tin Bộ Nội vụ dẫn lời Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là hội nghị góp ý đầu tiên nhằm xin ý kiến của các đại biểu về chủ trương, định hướng, cách làm và tạo sự đồng thuận của các cơ quan Trung ương liên quan.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm trong việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong vòng 07 năm; bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng, đây cũng là cơ sở thuận lợi cho Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng, trình, phê duyệt các Đề án.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến, chỉ ra những hạn chế, những nội dung cần bổ sung của các Đề án nhằm giúp Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, để đáp ứng đòi hỏi bộ máy quản lý của chính quyền đô thị, phù hợp với đặc thù đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.
Bên cạnh đó, việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của Thành phố nhằm giúp nơi đây thành “hạt nhân”, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu và kết luận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo đúng quy định và tiến độ đề ra.
Trình bày dự thảo Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức như sau: chính quyền Thành phố gồm có HĐND và UBND; chính quyền tại các quận là UBND quận; chính quyền tại các phường là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đề án cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; nhiệm vụ, quyền hạn của Thành phố Hồ Chí Minh; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của UBND quận, UBND phường…
Đối với Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức (tổng cộng 36 phường), tên gọi của đơn vị hành chính mới là Thành phố Thủ Đức. Dân số của Thành phố Thủ Đức khoảng trên 1 triệu người và số đơn vị hành chính cấp xã là 34 phường (giảm 02 phường).
Việc thành lập Thành phố Thủ Đức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện chế độ tiền lương mới. Sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ Nhân dân tốt hơn.