Góp ý dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 105- QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

Chiều 19/5, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 105- QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Quy định 105- QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 105) là quy định quan trọng nhất về công tác cán bộ của Đảng. Việc ban hành Quy định 105 của Bộ Chính trị là cơ sở hết sức quan trọng để xây dựng và ban hành các quy định khác liên quan đến công tác cán bộ; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông, dân chủ, chặt chẽ, công bằng, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch và cơ bản tạo được sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua.

Sau gần 5 năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng đều đánh giá nội dung Quy định 105 cơ bản còn phù hợp với thực tiễn. Chất lượng đội ngũ cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định và điều động, luân chuyển, biệt phái được nâng lên một bước; hầu hết cán bộ được đào tạo cơ bản, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ tương ứng với chức danh bổ nhiệm.

Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử chỉ định và điều động, luân chuyển, biệt phái theo phân cấp. Công tác thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin liên quan đến nhân sự, tiêu chuẩn chính trị, bằng cấp đào tạo… đã được mở rộng và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, địa phương liên quan.

Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm, coi trọng và thực hiện thường xuyên hơn, bám sát quy định của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị. Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ cơ bản được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tạo môi trường, điều kiện để cán bộ tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Quy định 105 như: Chưa có quy định về chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; một số chức danh đã thay đổi hoặc phát sinh nhưng chưa được cập nhật, bổ sung; quy định về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chưa xác định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; chưa quy định rõ trường hợp bổ nhiệm đối với nhân sự tại chỗ đang giữ chức vụ tương đương hoặc có quy hoạch chức danh tương đương…

Từ thực tại địa phương, các đại biểu thẳng thắn góp ý sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quy định 105 của Bộ Chính trị về bố cục dự thảo Quy định; quy định chung; tiêu chuẩn, điều kiện; thủ tục, quy trình nhân sự; phân cấp quản lý cán bộ…

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: xây dựng cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; là yêu cầu cấp thiết, quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu Hội nghị; những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện chính kiến, sát thực tế đối với dự thảo báo cáo sơ kết của các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí yêu cầu các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó, Tổ Biên tập tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo sơ kết để báo cáo Bộ Chính trị.

Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/77492/gop-y-du-thao-bao-cao-so-ket-5-nam-thuc-hien-quy-dinh-105--qdtw-cua-bo-chinh-tri-ve-phan-cap-quan-ly-can-bo-va-bo-nhiem-gioi-thieu-can-bo-ung-cu.html