Góp ý dự thảo Đề án 'Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030'

* Anh Chu Minh Phương - Quyền Bí thư Thành đoàn Nha Trang:

Cần có giải pháp cụ thể để thực hiện lối sống xanh

Chuyển đổi xanh nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường của các ngành và lĩnh vực khác nhau trong xã hội, khuyến khích lối sống ít gây hại cho hệ sinh thái. Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030 xác định nhiều lĩnh vực trọng tâm để thực hiện. Trong đó, theo tôi, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực lối sống sẽ là một thách thức lớn trong quá trình triển khai, vì cần sự đồng thuận, chung tay thực hiện của toàn xã hội.

Để triển khai và thực hiện tốt lĩnh vực lối sống xanh, cần đầu tư thêm về không gian sinh hoạt công cộng tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu đông dân cư; tuyên truyền, giáo dục và thực hành lối sống xanh ngay từ học sinh cấp tiểu học và có sự phối hợp giáo dục, thực hành giữa nhà trường và gia đình; khuyến khích triển khai các mô hình, giải pháp xây dựng lối sống xanh, văn hóa xanh trong các tầng lớp nhân dân thông qua cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, công ty, doanh nghiệp… Cùng với đó, có các giải pháp, chế tài và thực hiện xử lý nghiêm hơn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường.

Thời gian qua, tuổi trẻ TP. Nha Trang đã chung tay triển khai nhiều hoạt động, phong trào trong thực hành lối sống xanh như: Chương trình “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tuổi trẻ Nha Trang chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”... Mỗi năm, có hơn 100.000 lượt thanh niên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, chỉnh trang đô thị và tham gia xây dựng nông thôn mới... Từ đó, dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường, có lối sống xanh, lành mạnh trong mỗi bạn trẻ.

Theo tôi, những giải pháp thực tế để từng bước hình thành lối sống xanh có thể từ những việc cụ thể như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm, chương trình truyền thông về ý nghĩa và lợi ích của lối sống xanh; sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện lối sống xanh; khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện như: Trồng cây, dọn dẹp môi trường, hoặc tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; gương mẫu trong tiêu dùng, có thể bắt đầu từ việc lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, có bao bì tái chế, sản phẩm hữu cơ, hay đồ dùng tái sử dụng thay vì những sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích thanh niên sử dụng hình thức di chuyển bằng phương tiện thân thiện với môi trường, hoặc sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân có sử dụng nhiên liệu. Bên cạnh đó, xây dựng cộng đồng xanh, tạo ra các nhóm, câu lạc bộ bảo vệ môi trường để chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường trong cộng đồng; có các ứng dụng và công nghệ thông minh để theo dõi mức tiêu thụ năng lượng, nước và rác thải, từ đó người dân tự điều chỉnh thói quen cá nhân...

V.THÀNH (Ghi)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-xanh/202408/gop-y-du-thao-de-anchuyen-doi-xanh-tinh-khanh-hoagiai-doan-2024-2030-41640de/