Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cần sự thay đổi đồng bộ
Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - khẳng định: Đây là việc rất cần thiết, bởi Luật Điện ảnh trong thời đại công nghệ số đã có nhiều nội dung không phù hợp.
Theo TS Ngô Phương Lan, để phát triển nền điện ảnh Việt Nam thì cần sự thay đổi đồng bộ, phải có chất lượng, phải có cách khuyến khích để sản xuất ra nhiều bộ phim hay, đồng thời quan tâm đến đầu ra của phim tại rạp hoặc có hình thức khác để phát triển...
PV: Thưa bà, Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến góp ý cho Luật Điện ảnh (sửa đổi). Là người gắn bó với điện ảnh, bà có ý kiến góp ý gì không?
TS Ngô Phương Lan: - Cho đến thời điểm này, không có gì còn băn khoăn, tranh luận về sự cần thiết phải ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tôi nhớ, tháng 12/2016 Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh tại Hà Nội và TP HCM, hầu hết các ý kiến đều cho rằng Luật Điện ảnh sau 10 năm thi hành đã có nhiều điểm lạc hậu, cản trở sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Minh Thái đồng chủ trì Hội nghị cho rằng: Có đến 2/3 số Điều trong Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc bị phủ định bởi các luật khác, buộc phải thay đổi. Vì vậy thời điểm này bàn về “sự cần thiết” có lẽ là rất muộn.
Về các nội dung cần sửa đổi, tôi có một số góp ý như sau:
Trước hết về giải thích từ ngữ, cần cân nhắc sửa (hoặc bỏ bớt một số từ ngữ) cho phù hợp thực tế: Điện ảnh, tác phẩm điện ảnh, phim, phim nhựa, phim video, phim truyền hình, băng phim, kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh, sản xuất phim… Nên đưa thêm các khái niệm: Thị trường điện ảnh, quảng bá điện ảnh, tiếp thị phim…
Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh cần cụ thể và khả thi. Hành vi cấm trong hoạt động điện ảnh, thực chất là hành vi bị cấm trong phim. Tôi cho rằng nên khái quát những nội dung bị cấm và cụ thể những chi tiết cấm.
Về phổ biến phim; phát hành phim; sản xuất phim; thanh tra và xử lý vi phạm… cũng có nhiều bất cập.
Có rất nhiều vấn đề đặt ra cho Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong những điều ấy bà cảm thấy điều nào băn khoăn nhất?
- Tôi thấy điều nào cũng quan trọng cả. Nhưng muốn đẩy mạnh nền điện ảnh thì phải có cơ chế chính sách, sự thúc đẩy phát triển, và phải đi vào trọng tâm để làm sao cho nó có sự phát triển hài hòa. Vấn đề làm sao thu hút được những đoàn phim nước ngoài vào đây quay phim để giới thiệu văn hóa, kích cầu du lịch là rất quan trọng. Nhưng đã nói đến điện ảnh là phải nói đến nội lực.
Và nội lực ở Việt Nam vô cùng quan trọng, nó chỉ có khi những bộ phim đạt được tiêu chuẩn về nghề nghiệp, có giá trị nhân văn, có bản sắc văn hóa. Như thế thì chúng ta mới có cái để giao lưu với nước ngoài, chứ không có phim thì không thể nói đến giao lưu cái gì cả. Cho nên cơ chế chính sách đối với việc sản xuất phim trong nước là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh phim mà nhà nước đặt hàng 50%, 70% (buộc phải theo một tiêu chí cụ thể, ví dụ phim phục vụ mục đích chính trị), vậy thì bên cạnh đó có thể mở rộng hơn được không? Cơ chế chính sách không chỉ bằng việc đặt cho anh một khoản tiền (đặt hàng) mà cơ chế chính sách làm sao đảm bảo cho anh thuận lợi trong quá trình sản xuất, anh được ưu đãi về thuế như nhiều ngành nghề khác, anh được ưu đãi về cơ sở vật chất…
Hoặc là anh được ưu đãi khi sản phẩm của anh hoàn thành, đạt được chất lượng mong muốn của nhà nước, có được những giá trị như chúng ta vừa nêu. Nếu được như vậy thì tôi nghĩ sẽ có thể khuyến khích nhiều người, nhiều đơn vị sản xuất ra những bộ phim Việt Nam tốt, hay. Còn chỉ xoay quanh việc làm sao có sự đặt hàng của nhà nước, và cho đó là chính sách duy nhất và quan trọng thì tôi nghĩ là chưa đủ. Như thế cũng sẽ rất khó khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia vào việc sản xuất phim. Bởi vì khi đặt hàng rồi sẽ có thêm một khuôn khổ, và hơn nữa là việc sử dụng ngân sách của nhà nước, theo tôi nghĩ càng ngày càng có hạn. Bao giờ ngân sách cũng khó khăn, nếu chỉ trông chờ vào đơn đặt hàng của nhà nước để phát triển điện ảnh thì rất khó. Bởi vậy chính sách phát triển là phải toàn diện.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, hiện nay ở nước ta có đến hơn 60% rạp nước ngoài, có rất ít rạp nội. Theo bà cần có chính sách như thế nào để cho các rạp trong nước phát triển?
- Số rạp trong nước là con số quá ít, chỉ khoảng hơn 30%, thậm chí chưa đến 30%. Nhưng cũng có cái khó là, khi các công ty nước ngoài vào đây để được kinh doanh thì đều trước 2005, tức là trước cam kết WTO của chúng ta và ngành điện ảnh cũng chưa có luật. Đến 1/1/2007 thì Luật Điện ảnh mới có hiệu lực thi hành, chính vì vậy cho nên tất cả các công ty nước ngoài như CGV, Lotte Cinema… họ đều vào đây 25 năm, và trong 25 năm ấy họ được kinh doanh hoàn toàn hợp pháp như chúng ta bây giờ.
Có điều rất nguy hiểm và rất buồn là toàn bộ hệ thống rạp chiếu phim ở các địa phương bây giờ gần như tê liệt vì không chuyển đổi kịp theo mô hình số. Chất lượng, rồi điều kiện kỹ thuật kém nên các bộ phim lớn, các nhà phát hành lớn không bao giờ muốn đưa phim của họ chiếu trong cái rạp hay trong cơ sở nào đó chỉ chiếu định dạng kém như HD. Nhưng nhà nước đầu tư để nâng cấp các rạp chiếu bóng với tiêu chuẩn kỹ thuật số 2K, 4K thì đếm trên đầu ngón tay, thậm chí chưa hết đầu bàn tay. Có thể nói rất khó khăn.
Liệu rằng đó có phải lý do doanh thu điện ảnh phần lớn chảy vào túi công ty nước ngoài, còn ngân sách thu được cho điện ảnh trong nước không đáng là bao nhiêu?
- Mặc dù tỉ lệ rạp nội địa thấp như thế, nhưng phim nội địa doanh thu cũng không nhỏ. Nhiều bộ phim Việt Nam trong thời gian gần đây doanh thu rất cao, có phim 200 tỉ, có phim trên 100 tỉ, không kém gì so với những phim bom tấn Hollywood vào đây. Có điều tính làm sao bên cạnh việc khuyến khích làm ra những bộ phim hay, tốt như vậy thì cũng khuyến khích việc ra rạp. Anh phải có được cơ chế đối với phim ra rạp như thế nào? Tuy nhiên nó cũng lại cũng liên quan rất chặt chẽ với nhau. Phim anh không hay thì rạp họ không có khách, họ cũng không cho ra. Thế thì phải làm cho đồng bộ. Phim phải có chất lượng, đồng thời có cách khuyến khích cho phim nhiều, hay lên, và hỗ trợ đầu ra của phim tại rạp hay bằng các hình thức khác nữa… Thế thì doanh thu của thị trường phi truyền thống như thế cũng sẽ được đẩy mạnh. Nó lan tỏa mạnh hơn thì chúng ta mới có thể tính đến nhiều chuyện khác. Còn cứ khăng khăng cấm cản phim ngoại thì không được. Vì thứ nhất không có luật nào có thể cấm, thứ hai cũng sẽ mang tính chất thụt lùi.
Xin cảm ơn bà!
Huyền Trang (thực hiện)