Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Chiều 27/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố thì những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại TP Hồ Chí Minh trong những lần góp ý trước đây đã được ghi nhận, tiếp thu trong Dự thảo Luật.

Các đại biểu đã tập trung góp ý vào Dự thảo Luật một số vấn đề còn chưa thống nhất, đặc biệt vấn đề liên quan trong chương IV quy định về “Hợp đồng dầu khí” và yêu cầu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi của Dự thảo Luật sau khi có hiệu lực.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tại khoản 2, điều 24 Dự thảo Luật quy định, Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; trong khi đó Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua và áp dụng, Chính phủ đã ra các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật, do đó cần xem lại các quy định tại chương IV cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cần hạn chế tối đa việc quy định trong luật nội dung “để Thủ tướng Chính phủ quy định”; đồng thời, cần xem xét, nghiên cứu thông lệ quốc tế về nội dung vấn đề được Thủ tướng phê duyệt trong quy định về phê duyệt hợp đồng dầu khí để đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật, giúp quá trình thực thi pháp luật trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Thành Long, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí mang tính đặc thù, khác với các ngành nghề truyền thống, mang tính rủi ro cao. Theo nội dung báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phân tích và đề xuất quy định về thực hiện lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí sẽ được thể hiện trong Luật Dầu khí (không thực hiện theo Luật Đấu thầu) do những đặc thù riêng của ngành dầu khí.

Tuy nhiên, thực tế quy định về đấu thầu rất phức tạp, đa dạng về các hình thức tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tình huống về đấu thầu. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá và có báo cáo đối chiếu giữa việc quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu, từ đó đưa ra phương án khả thi, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Thành Long nói thêm, về cách tiếp cận hoạt động đầu tư dầu khí, nội dung giải trình có phân tích, đối chiếu theo quy định của Luật Đầu tư nhưng chưa xét đến quy định của Luật Đầu tư công. Đề nghị cần có nội dung phân tích, làm rõ, đảm bảo việc tiếp cận hoạt động đầu tư dầu khi phù hợp theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (nếu có quy định liên quan).

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật quy định hợp đồng dầu khí gồm hai loại hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng dầu khai khác (Điều 29) và nội dung chính của hợp đồng dầu khí (Điều 30) - với vai trò như một hợp đồng mẫu.

Tuy nhiên, qua thực tế ở một số quốc gia, hợp đồng dầu khí rất đa dạng, được ban hành dựa trên đặc điểm của các mỏ dầu, khu vực khai thác dầu, cơ chế phân chia và các yếu tố khác. Việc áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng dầu khí là rất cần thiết, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cho từng giai đoạn khác nhau. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác để bổ sung các loại hợp đồng dầu khí khác (về các điều khoản mẫu) nhằm góp phần thu hút nhà đầu tư, kịp thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, chuyển dịch năng lượng là mục tiêu lâu dài không chỉ trong nước mà cả quốc tế vì các nguồn dầu khí truyền thống là có giới hạn. Vì vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể về thăm dò, khai thác cũng như hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài đối với các loại dầu khí phi truyền thống và rà soát, đối chiếu với pháp luật về đầu tư, thuế và pháp luật khác liên quan để có những quy định ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư.

Các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến liên quan đến kỹ thuật lập pháp, chỉnh sửa một số từ ngữ trong văn bản Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương, 69 điều. Dự thảo đã được góp ý bổ sung, chỉnh lý nhiều lần và đi vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/gop-y-hoan-thien-du-thao-luat-dau-khi-sua-doi-20220927180915256.htm