Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính
Sáng 15/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị.
Cần thiết sửa đổi Luật để phù hợp với thực tiễn
Theo Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Bùi Huyền Mai, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật có bố cục gồm 4 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.
Tại hội nghị, các đại biểu đều tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật này. Đồng thời, tập trung phân tích, chỉ rõ những hạn chế cần sửa đổi nội dung một số điều cho bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Trưởng phòng Xử lý vi phạm hành chính Sở Tư pháp, Luật đã tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn những vấn đề cần xem xét, chỉnh sửa thêm cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó Luật quy định các hệ thống biểu mẫu cần thống nhất, nếu không mỗi ngành lại có biểu mẫu riêng, do đó sẽ khó trong việc quản lý. Bên cạnh đó, tại Khoản 32, Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 66 thì chưa thống nhất trong quy định về thời gian, cần rà soát lại và nên để thời gian theo ngày chứ không nên theo tháng.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng, nếu quy định cứng về thời gian lập biên bản xử lý vi phạm hành chính thì sẽ khó trong quá trình xử lý. Ngoài ra, đối với việc niêm phong tang vật, khi tạm giữ phương tiện, tang vật thì phải tiến hành niêm phong, tránh trường hợp khiếu nại sau này.
Xem xét tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND các cấp
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Luyện Văn Phương đề nghị xác định Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước là biện pháp ngăn chặn. Điều này phù hợp Hiến pháp, không vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đồng thời thực tiễn áp dụng (từ 2007 - 2017) cho thấy Biện pháp phát huy hiệu quả, ngăn chặn các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh thêm quy mô vi phạm sau khi có biên bản vi phạm hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm tiếp theo của các cơ quan chức năng, tránh lãng phí tài sản xã hội khi phải cưỡng chế công trình vi phạm.
Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP, nên cân nhắc lại mức xử phạt thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, bởi nếu mức vi phạm nhỏ nên phân cấp để dễ quản lý.
Theo Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong Dự thảo Luật nên bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lực lượng công an nhân dân, chẳng hạn đối với Văn phòng, hay cơ quan điều tra hình sự. Đồng thời, Luật cũng nên quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh cấp phó trong trường hợp chưa có cấp trưởng, để tránh tình trạng ùn tắc trong xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương.
Với vai trò của chính quyền địa phương, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho rằng cần thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp phường. Ngoài ra, trong Luật nên quy định rõ nội dung Chủ tịch phường ủy quyền cho các Phó Chủ tịch để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, để có căn cứ cụ thể cho địa phương thực hiện. Đối với việc dừng cấp điện nước, đại diện UBND quận Thanh Xuân cũng cho rằng cần thực hiện mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa khi phát hiện ra các hành vi vi phạm hành chính, nhất là vi phạm trật tự xây dựng. Đây là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
Đại diện UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng cho rằng, đối với mức xử phạt thấp thì không cần thiết phải ra quyết định xử phạt, mà giao quyền cho các lực lượng chức năng xử lý. Còn theo đại diện UBND huyện Gia Lâm, đối với vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, nên quy định xử phạt ở mức tối đa để tăng sự răn đe.
Qua nghe 12 ý kiến của các đại biểu, thay mặt Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, bà Bùi Huyền Mai ghi nhận những ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể, có phân tích đánh giá từ thực tiễn. Đồng thời cho biết, sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến để Đoàn tổng hợp, báo cáo với Quốc hội.