Góp ý sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Phòng, chống HIV/AIDS
Vừa qua, tại tỉnh Lào Cai, thực hiện Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 và để phục vụ thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến và hai dự án luật kể trên.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các cam kết quốc tế, khu vực và một số công ước quốc tế về quyền con người.
Dự thảo Luật được xây dựng trên cở sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 03 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng Dự án Luật. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều, tăng 13 điều so với Luật hiện hành; trong đó có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đồng bộ, thống nhất Luật phòng, chống HIV/AIDS và hệ thống pháp luật liên quan khác, khắc phục các khó khăn và tồn tại; đảm bảo quyền của người nhiễm HIV và thực hiện cam kết quốc tế cũng như huy động cộng đồng.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS được bố cục gồm 3 Điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HIV, bao gồm 14 điều khoản của Luật HIV 2006; Điều 2. Bãi bỏ hai điều của Luật HIV 2006; Điều 3. Hiệu lực thi hành.
Tên gọi của Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Phạm vi điều chỉnh: Giữ nguyên phạm vi điều chỉnh theo kết cấu của Luật HIV 2006.
Góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, Đại diện Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS tại Việt Nam) cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV cho tất cả các nhóm chính chịu ảnh hưởng bởi HIV, bao gồm nhóm trẻ dưới 16 tuổi. Tăng đầu tư của Nhà nước cho chương trình HIV, đặc biệt là cho dự phòng lây nhiễm HIV và các dịch vụ HIV thiết yếu do các CBOs của người sống với HIV và các nhóm chính đang cung cấp, nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 đồng thời duy trì bền vững những thành quả đã đạt được
Quyền riêng tư và bảo mật thông tin của người sống với HIV cần được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đồng thời khuyến khích được người sống với HIV và những người chịu ảnh hưởng chính bởi HIV tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV. Không áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc đối với
Về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, theo đại diện UNAIDS Việt Nam, cần Luật hóa quan điểm đã được quốc tế và trong nước công nhận, rằng tình trạng lệ thuộc vào ma túy là một vấn đề sức khỏe và người lệ thuộc vào ma túy là người mắc bệnh mãn tính về não bộ, cần được điều trị lâu dài với các can thiệp toàn diện bao gồm chăm sóc sức khỏe, tâm lý, hành vi và hỗ trợ xã hội. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống ma túy ma túy sửa đổi để qui định cả dự phòng và điều trị rối loạn sử dụng ma túy…