Góp ý Văn kiện: Chuyển từ bắt chước sang sáng tạo công nghệ mới

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII, PGS.TS Vũ Văn Phúc, kiến nghị đưa vào dự thảo Báo cáo chính trị về sở hữu trong nền kinh tế quá độ lên CNXH.

Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế quá độ, luôn vận động, phát triển theo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.

Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất xã hội, trong đó quan hệ sở hữu là quan hệ cơ bản nhất của quan hệ sản xuất. Chủ sở hữu có thể thống nhất ở một người, có thể tách bạch ở nhiều người; có thể là sở hữu riêng của tư nhân (tư hữu) hay sở hữu chung của cộng đồng, của xã hội (sở hữu xã hội).

PGS.TS Vũ Văn Phúc

PGS.TS Vũ Văn Phúc

Chủ thể sở hữu có thể là thể nhân, có thể là pháp nhân. Đối tượng sở hữu là các yếu tố đầu vào của sản xuất và các sản phẩm được tạo ra từ các yếu tố đầu vào đó. Đối tượng sở hữu luôn biến đổi do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định.

Phải có công nghệ Made by Vietnam

Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, thì đối tượng sở hữu chuyển mạnh từ đối tượng sở hữu hữu hình là các tư liệu sản xuất sang đối tượng sở hữu vô hình.

Đó là tri thức của loài người, là trí tuệ của con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, internet vạn vật, thông tin, dữ liệu lớn (big data), bằng sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, lợi thế thương mại, uy tín trên thương trường...

Đối tượng sở hữu vô hình ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Chính điều này là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển, là cơ sở để chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vì vậy, phải coi phát triển khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; phải chuyển mạnh từ áp dụng, “bắt chước” công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại là một đột phá chiến lược.

Phải có công nghệ Made by Vietnam để tạo ra hàng hóa made by Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển hùng cường. Quan hệ sở hữu là cơ sở, là điều kiện của sản xuất. Nhưng sở hữu không phải là mục tiêu, mục đích của xã hội xã hội chủ nghĩa. CNXH là vì con người, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công, bất bình đẳng; con người được tự do, là chủ xã hội, phát triển toàn diện, có cuộc sống hạnh phúc...

Sở hữu chỉ là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm. Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ tổ chức, quản lý và quyết định quan hệ phân phối. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa cao, chưa đồng đều, thì còn tồn tại nhiều chế độ sở hữu là một tất yếu khách quan, là đòi hỏi của chính sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội.

Hệ thống luật pháp phải thừa nhận các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu

Trong nền kinh tế quá độ của nước ta tồn tại đồng thời cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với nhiều hình thức sở hữu, ngoài ra còn tồn tại cả hình thức sở hữu hỗn hợp, là một tất yếu kinh tế do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội quyết định.

Lấy mục tiêu giải phóng sức sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế – xã hội, phát triển đất nước bền vững, sáng tạo, bao trùm; lấy mục tiêu vì con người phát triển tự do, toàn diện, hạnh phúc... làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, phát triển chế độ sở hữu nào, hình thức sở hữu nào. Nội dung kinh tế của sở hữu thể hiện ở lợi ích kinh tế mà chủ thể sở hữu được hưởng (nhận được) từ đối tượng sở hữu.

Lợi ích kinh tế là mục đích của chủ sở hữu. Những lợi ích kinh tế mà đối tượng sở hữu mang lại thì chủ sở hữu không được hưởng toàn bộ, mà chỉ được hưởng một phần, phần còn lại phải đóng góp vào lợi ích chung của toàn xã hội, của đất nước. Sở hữu thành phương tiện chủ yếu để đạt tới các mục tiêu kinh tế của chủ sở hữu.

Các chủ thể sở hữu không chỉ quan tâm tới đối tượng sở hữu, cái mà họ quan tâm hơn là giá trị gia tăng được tạo ra từ các đối tượng sở hữu đó. Để đạt được điều đó, chủ sở hữu phải hết sức quan tâm đối tượng sở hữu nào đem lại sự gia tăng giá trị cao nhất (ngày nay là tri thức, là trí tuệ con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số…) và làm thế nào, với phương thức nào để đối tượng sở hữu mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Vì vậy phải hợp lý hóa, tối ưu hóa việc tổ chức và quản lý quá trình sản xuất - kinh doanh v.v… để có hiệu quả kinh tế hợp lý.

Quan hệ sở hữu là quan hệ khách quan do trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất quyết định. Quan hệ sở hữu vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Quan hệ sở hữu là quan hệ bản chất bên trong của quan hệ giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải vật chất xã hội, nhưng quan hệ sở hữu là quan hệ trừu tượng.

Muốn hiện thực hóa quan hệ sở hữu thì phải thể chế hóa bằng quan hệ pháp lý thành chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu là sự thể chế hóa có tính chất pháp lý, là nội dung pháp lý của quan hệ sở hữu đang tồn tại khách quan trong mỗi chế độ xã hội.

Quan hệ sở hữu là nội dung bản chất bên trong, chế độ sở hữu là quy định pháp lý để hiện thực hóa quan hệ sở hữu khách quan đó. Hệ thống luật pháp phải thừa nhận các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu (cả các nguồn lực đầu vào hữu hình và vô hình, cả các sản phẩm được tạo ra từ các nguồn lực đầu vào đó).

Pháp luật quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu và lợi ích do đối tượng sở hữu đó mang lại. Chế độ sở hữu bao gồm các quyền như quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền quản lý kinh doanh (quyền sử dụng), quyền thực hiện lợi ích kinh tế, quyền kiểm soát, quyền định đoạt tài sản, quyền chuyển nhượng, mua - bán tài sản (hữu hình và vô hình), quyền thừa kế, cho, biếu, tặng tài sản…

Trong đó, có hai nhóm quyền quan trọng là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Hai nhóm quyền này có thể thống nhất ở một chủ thể, hoặc có thể tách rời ở nhiều chủ thể… Hình thức sở hữu là biểu hiện trên bề mặt xã hội của quan hệ sở hữu, thể hiện ra thông qua hoạt động của các chủ thể sở hữu.

Trong nền kinh tế quá độ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay do trình độ phát triển chưa cao, chưa đồng đều của lực lượng sản xuất mà còn tồn tại khách quan cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu như: hình thức sở hữu tư nhân của cá thể, của hộ gia đình, của tiểu chủ, của nhà tư bản (sở hữu tư nhân tư bản), của tập đoàn tư bản… và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với các hình thức sở hữu như: sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể…

Đồng thời còn có hình thức sở hữu hỗn hợp là hình thức sở hữu đan xen các hình thức sở hữu trong cùng một đơn vị kinh tế. Đó là cơ sở tồn tại của nhiều thành phần kinh tế.

PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dai-hoi-dang/gop-y-van-kien-chuyen-tu-bat-chuoc-sang-sang-tao-cong-nghe-moi-687876.html