Góp ý văn kiện ĐH Đảng: Đừng chỉ nhìn vào phần 'ngọn'
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2025 đạt 5000 USD là hoàn toàn khả thi...
Đừng chỉ nhìn vào phần ngọn
Dự thảo trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đặt ra mục tiêu: "Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp".
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD/người.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: “Tới thời điểm này khả năng GDP bình quân đầu người trong năm 2020 có thể đạt 3000 USD. Nếu theo cách tính mới, cộng thêm một số yếu tố từ kinh tế ngầm đã được định lượng chiếm khoảng 25% quy mô toàn nền kinh tế thì con số thực đã lên khoảng 3.700 USD/người. Như vậy, việc đặt mục tiêu đạt 5000 USD/người vào năm 2025 là hoàn hoàn toàn khả thi”.
Tuy nhiên, theo ông Thế Anh, vấn đề cốt lõi cần quan tâm là làm sao thu nhập thực của người dân tăng lên song song với kiểm soát ổn định lạm phát chỉ khoảng 3-4%.
“Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất là giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô thông qua việc ổn định tỷ lệ lạm phát và giá trị đồng tiền việt. Trên cơ sở đó, dựa trên yếu tố về vốn, trình độ công nghệ, năng suất lao động thì mục tiêu tăng trưởng từ 6-7%/năm là phù hợp”
Nhìn sâu hơn về bản chất cách tính GDP, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Khi đề cập tới mục tiêu tăng trưởng GDP cần nói rõ đó là tăng trưởng thực hay tăng trưởng danh nghĩa đã cộng thêm lạm phát, để tránh gây hiểu lầm”.
Cũng theo ông Thành, dư luận không nên xoáy sâu vào con số mục tiêu tăng trưởng mà nên tìm hiểu đằng sau đó là cách tính phương pháp và mô hình giả định của nền kinh tế.
“Thế giới đầy biến động, việc đặt ra mục tiêu để cho phép chúng ta nhìn nhận khả năng của mình tới đâu. Tuy nhiên, đừng chỉ nhìn vào cái ngọn là con số chỉ tiêu; cái cần quan tâm là cách tính toán con số đó đến từ đâu, mô hình giả định kịch bản có chuẩn không, có sát với thực tiễn hay không… Chính những yếu tố này mới tác động tới hoạt động điều hành kinh tế sao cho phù hợp”, ông Thành lý giải.
Hãy tập trung vào chỉ tiêu thực chất
Chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định: "Trên thực tế, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã có trình độ phát triển cao hơn khá nhiều so với trước đây. Điều này đồng nghĩa với khả năng can thiệp của Nhà nước vào tăng trưởng sẽ thấp hơn, hay nói cách khác, công cụ để tác động tăng trưởng đã không còn nhiều nữa".
"Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng các chính sách và giải pháp để cải thiện mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế chứ không nhất thiết phải đạt được một mức tăng trưởng cụ thể nào đó cho một năm nào đó.
Không nên biến mức tăng trưởng GDP cụ thể hằng năm trở thành chỉ tiêu bắt buộc để tự bó chân mình mà chỉ nên đưa ra mang tính chất dự báo, định hướng cho các hoạt động khác của Chính phủ về hoạt động ngân sách, cải cách hành chính, nợ công...”, vị chuyên gia nói và kiến giải: “Thay vì con số mục tiêu tăng trưởng hãy nên tập trung vào chỉ tiêu về ngân sách, nợ công, chất lượng y tế, đầu tư phát triển con người… sẽ có ý nghĩa thực chất hơn. Chính những con số này mới đánh giá đúng thực chất, đo lường được chất lượng phát triển của nền kinh tế, chất lượng sống của người dân trong nước”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng về kinh tế, trong đó tác động nặng nề nhất là tạo ra gánh nặng với nợ công, ông Minh khuyến nghị: “Nếu đưa ra được những chính sách bồi dưỡng các yếu tố nền tảng, Việt Nam sẽ có có cơ hội phát triển rất tốt thời gian tới. Đó là cải cách về thuế, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo... Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh khu vực tư nhân bởi đây là lực lượng năng động nhất nên cần thúc đẩy phát triển. Đồng thời, cải cách các dịch vụ công, dựa nhiều hơn vào cơ chế thị trường để Việt Nam không những phát triển mà còn tạo ra sức đề kháng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặt mục tiêu phấn đấu tới 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.