Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các địa phương.Phát biểu tại điểm cầu Phú Thọ, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Cầm Hà Chung – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, đây là giải pháp nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Đại biểu cho rằng, hiện nay nhiều địa phương cũng mong muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; do đó việc giải quyết mong muốn hưởng cơ chế đặc thù của các địa phương phải đảm bảo công bằng, đồng thời tuyên truyền để cử tri và nhân dân nhận thức đầy đủ về cơ chế.Chính phủ, Quốc hội cần xác định những nội dung chưa có luật điều chỉnh hoặc nội dung khác với quy định hiện hành đang là những yếu tố cản trở, điểm nghẽn hoặc những nội dung có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xác định quan điểm, tiêu chí, mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét lựa chọn thí điểm, lựa chọn một số địa phương đại diện vùng miền đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên kết hợp với các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

Liên quan đến nội dung thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hà Cầm Chung đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phân cấp cho HĐND các tỉnh, thành phố còn lại được quyết định chuyển đổi mục đích trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng từ 30%-50% so với các địa phương được hưởng cơ chế đặc thù. Đối với các chính sách khác như: Tài chính, ngân sách, thu nhập của cán bộ, công chức …nên cho hưởng từ 30%-50% so với địa phương đang được hưởng; phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố còn lại phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị.
Tiếp thu, giải trình, kết luận phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiêu chí để lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: Phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương và tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố đã áp dụng; dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, tạo tính bứt phá nhưng đề cao tính tự lực, tự cường vươn lên. Cơ chế, chính sách đặc thù tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực thực tiễn của địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong hai năm 2019-2020.Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đều thống nhất với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đặc biệt là những kiến nghị của báo cáo.Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về nội dung phát triển đối tượng tham gia, thu nợ, đóng BHXH, BHTN. Việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần (Nghị quyết số 93/2015/QH13), các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần phải làm rõ hơn việc gia tăng số người hưởng chế độ BHXH một lần hàng năm; đồng thời cần có rào cản kỹ thuật để hạn chế việc hưởng chế độ BHXH một lần. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam hướng dẫn, quy định để thực hiện đầy đủ các nội dung BHXH với đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để họ được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản, ốm đau, chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp…Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xv/202110/gop-y-vao-du-thao-nghi-quyet-ve-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-180552