Góp ý về nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động của trẻ em

Ngày 30/8, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ ba, khóa VIII.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như: Sửa đổi, bổ sung quy chế thi đua, khen thưởng của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; Kế hoạch Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020; Kế hoạch triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” giai đoạn 2019 - 2022; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em năm 2020.

Trong chương trình thảo luận, các đại biểu sôi nổi đóng góp ý kiến ở nhiều nội dung quan trọng được quan tâm.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy góp ý: Việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em của Hội đồng Đội vẫn chưa có sự lan tỏa, chưa có sự kết hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Hiện các đơn vị này vẫn cho rằng đây là trách nhiệm của riêng Hội đồng Đội. Ông Hà Quang Huy cho rằng trong thời gian tới Hội đồng Đội cần thay đổi công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện; tham gia vào phiên tòa giả định...

Mặt khác, trong quá trình triển khai Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, bên cạnh các hoạt động gặp mặt, báo công, nên có một công trình hoặc sản phẩm của trẻ em toàn quốc mang tính tượng trưng cho kế hoạch lâu dài, mỗi lần nhìn thấy là nhớ đến chương trình.

Góp ý kiến về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Ninh Thị Hồng mong muốn Trung ương cần có hướng dẫn, tập huấn kỹ năng cho các giáo viên tổng phụ trách đội trong việc bảo vệ học sinh, để các em có thể nói lên tiếng nói của mình mà không gây xung đột với giáo viên...

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng việc triển khai chương trình kế hoạch nhỏ thời gian qua còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức. Do vậy trong thời gian tới, Hội cần đưa ra những giải pháp mới thiết thực hơn; cố gắng triển khai chương trình thành một cuộc vận động trải dài trên diện rộng, có chiều sâu để giáo dục hành vi, văn hóa, đạo đức cho học sinh...

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, chương trình kế hoạch nhỏ đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người, mang lại ý nghĩa và giá trị to lớn. Nhưng cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi nên có ý kiến cho rằng gộp phong trào này với nhiều phong trào khác hay chỉ cần thay đổi đổi cách thức thực hiện?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Thị Hà cho rằng, không nên gộp phong trào kế hoạch nhỏ với phong trào khác và cũng không nên đổi tên phong trào mà nên nghiên cứu cách thức thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh thực hiện theo phong trào, cốt lấy thành tích. Điều quan trọng là cần giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa của hoạt động.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng ký kết thực hiện các hoạt động về trẻ em để triển khai các hoạt động một cách có hệ thống, chặt chẽ từ trên xuống dưới; quá trình đánh giá, kiểm tra sau này cũng dễ dàng hơn. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Trẻ em cần phải khoanh vùng ba nhóm đối tượng chính là trẻ em, gia đình và thầy cô giáo để tập trung tuyên truyền.

Dự kiến, đến hết năm 2019, Trung ương Đoàn còn ba đợt giám sát thực hiện Luật Trẻ em. Đối với phong trào kế hoạch nhỏ sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi và thay đổi phương thức triển khai linh hoạt cho phù hợp với tình hình mới...

Minh Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/gop-y-ve-nhieu-chuong-trinh-ke-hoach-hoat-dong-cua-tre-em-20190830152756894.htm