'Gót chân Achilles' của Phần Lan

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều người đang lo ngại Aland - quần đảo tự trị phi quân sự của Phần Lan - có thể trở thành 'gót chân Achilles' của đất nước.

Nằm giữa Thụy Điển và Phần Lan, quần đảo Aland tự trị đẹp như tranh vẽ từng là một phần của Nga và được phi quân sự hóa từ năm 1856.

Tuy nhiên, khu vực này đang là tâm điểm của cuộc tranh luận gay gắt kể từ khi Nga tấn công Ukraine và khiến nước láng giềng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5.

Theo các hiệp ước quốc tế được ký kết sau cuộc chiến Crimea năm 1853-1856, không có quân đội hoặc công sự nào có thể được bố trí trên quần đảo chiến lược này của biển Baltic.

“Đây (Aland) là ‘gót chân Achilles’ của quốc phòng Phần Lan”, Alpo Rusi, một giáo sư và cựu cố vấn tổng thống, nói với AFP, ngụ ý lo ngại tình trạng phi quân sự ở Aland có thể trở thành điểm yếu của Phần Lan.

 Một góc của Aland, Phần Lan, ngày 1/6. Ảnh: AFP.

Một góc của Aland, Phần Lan, ngày 1/6. Ảnh: AFP.

“Nút thắt phức tạp”

Là nơi sinh sống của khoảng 30.000 người Phần Lan nói tiếng Thụy Điển, khu vực có các đảo đá đặc trưng, rừng xanh tươi tốt, nhà thờ đá cổ và kiến trúc bằng gỗ.

"Chúng tôi luôn nghĩ làm gì có ai muốn tấn công vùng đảo này khi chúng tôi không có gì đáng lấy? Nhưng điều đó đã thay đổi từ khi giao tranh ở Ukraine nổ ra", Ulf Grussner (81 tuổi), một người hưu trí và là một trong số nhiều người dân ở đây muốn Aland tiếp tục phi quân sự, nói với AFP.

Hồi tháng 6, một cuộc thăm dò cho thấy 58% người Phần Lan chấp thuận sự hiện diện quân sự ở Aland, nơi vừa kỷ niệm 100 năm ngày giành quyền tự trị hôm 9/6.

“Có lo ngại về việc Phần Lan có thể phản ứng quân sự không đủ nhanh trong trường hợp có một cuộc xâm nhập bất ngờ vào Aland”, ông Rusi nói.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều người Aland muốn duy trì tình trạng đặc biệt của vùng đảo và kiên quyết bác bỏ ý tưởng chấm dứt phi quân sự.

“Sao phải thay đổi? Tôi nghĩ việc chúng ta đang phi quân sự là một yếu tố giúp ổn định ở khu vực biển Baltic”, Veronica Thornroos (59 tuổi), người đứng đầu chính quyền Aland, nói với AFP.

 Lãnh sự quán Nga tại thị trấn chính Mariehamn. Ảnh: AFP.

Lãnh sự quán Nga tại thị trấn chính Mariehamn. Ảnh: AFP.

Bên cạnh đó, nếu quần đảo bị tấn công, Phần Lan sẽ bảo vệ khu vực “rất nhanh”, bà nói.

Chính phủ Phần Lan cho biết họ không có ý định thay đổi tình trạng đặc biệt của Aland.

Trong khi đó, Sia Spiliopoulou Akermark, Giám đốc Viện Hòa bình Aland, lưu ý rằng "chế độ Aland" về quyền tự trị, bảo đảm văn hóa và phi quân sự là một "nút thắt phức tạp" cần được xem xét một cách tổng thể.

Sự hiện diện của Nga

Giống như phần còn lại của Phần Lan, Aland là một phần tự trị của Đế quốc Nga dưới sự cai trị của sa hoàng từ năm 1809 đến năm 1917.

Vào thời điểm đó, quần đảo này được xem như một tiền đồn quan trọng trong việc phòng thủ Saint Petersburg và kiểm soát biển Baltic.

Phần Lan tuyên bố độc lập vào năm 1917, và được trao chủ quyền đối với Aland vào năm 1921 bất chấp sự phản đối của đa số đảo nói tiếng Thụy Điển trong quần đảo.

Là một phần của thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến II, việc phi quân sự hóa Aland nằm dưới sự giám sát của Lãnh sự quán Liên Xô tại Mariehamn, thị trấn chính của quần đảo.

Lãnh sự quán vẫn tồn tại cho đến bây giờ, hiện nay do Nga điều hành.

Từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, một nhóm người dân địa phương tụ tập hàng ngày bên ngoài hàng rào kim loại cao bảo vệ lãnh sự quán để phản đối cuộc tấn công của Moscow.

 Ngôi nhà thời thơ ấu của ông Ulf Grussner, hiện do Lãnh sự quán Nga quản lý. Ảnh: AFP.

Ngôi nhà thời thơ ấu của ông Ulf Grussner, hiện do Lãnh sự quán Nga quản lý. Ảnh: AFP.

"Họ không có việc gì cần làm ở đây. Nga luôn là một mối đe dọa", Mosse Wallen (71 tuổi), một trong những người biểu tình, nói với AFP.

Nga cũng sở hữu một bất động sản bên bờ biển phía bắc Mariehamn ở Saltvik, được mua lại trong thỏa thuận hòa bình năm 1947.

“Họ đã cho mẹ tôi 3 ngày để dọn ra ngoài sống”, Ulf Grussner, người có ngôi nhà thơ ấu bình dị hiện đã được lãnh sự quán rào lại, cho biết.

Cha của ông Grussner là một nhà địa chất học người Đức, và thỏa thuận hòa bình quy định rằng tất cả tài sản của Đức ở Phần Lan phải được nhượng cho Liên Xô.

Năm 2009, quyền sở hữu một phần tài sản được chuyển giao cho tổng thống Nga.

Trong những năm gần đây, Phần Lan nhìn thấy mối lo ngại về các giao dịch bất động sản của Nga trên khắp đất nước.

Ông Grussner lo rằng Nga có thể có ý định sử dụng tài sản của gia đình ông và việc phi quân sự hóa như một "cái cớ" để tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực. “Đó là điều xa vời, nhưng không phải là không thể”, ông nói.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/got-chan-achilles-cua-phan-lan-post1325240.html