'Gót chân Asin' của ngành điện Việt Nam
Việt Nam sử dụng gấp đôi lượng điện để tạo ra một đơn vị tăng trưởng tương đương các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia, những quốc gia có mức đô thị hóa cao hơn.
Khi các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia đang cắt giảm sự phụ thuộc vào than thì Việt Nam chủ trương trong vòng 10 năm tới, hơn một nửa sản lượng điện tiêu thụ sẽ đến từ nguồn than.
Phương án này liệu có khá thi xét về phương diện kinh tế, môi trường và xã hội?
Đắt đỏ bậc nhất
Giá thành điện than hiện nay ước tính rơi vào khoảng 7 cent/kWh (1.600 đồng), còn điện gió trên bờ là khoảng 8,5 cent (2.000 đồng), điện mặt trời là gần 10 cent (2.200 đồng). Nếu chỉ nhìn vào con số thô này, rõ ràng, nguồn điện từ than thật sự rẻ.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, than sử dụng cho phát điện tại Việt Nam tăng 75% - cao hơn những nước từng một thời sử dụng nhiều điện than như Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia.
Để sản xuất điện than theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than mỗi năm từ năm 2017 trở đi - chi phí nhập khẩu than và chi phí vận tải lớn chưa được phản ánh đầy đủ trong chi phí điện than giả định. Như vậy, đến năm 2030, lượng than Việt Nam sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than tăng cao gấp khoảng 15 lần.
Nếu không được Nhà nước miễn thuế nhập khẩu than, nhiệt than liệu có khả thi về mặt kinh tế?
Nhưng cần nhớ một điều, than nhập khẩu về Việt Nam hiện nay đang gần như không bị đánh thuế. Nếu áp dụng thuế lên nhiệt lượng của than như đối với khí, thì mức thuế than sẽ lên đến 100 USD/tấn. Thử tính toán, nếu không được Nhà nước bao cấp, trong khi lượng than nhập khẩu lớn như vậy, nhiệt than liệu có khả thi về mặt kinh tế?
Đốt than làm điện, dĩ nhiên sẽ sản sinh ra tro xỉ. Theo ước tính, ở Mỹ, chi phí ô nhiễm do đốt than phát điện là hơn 3 cent/kWh (700 đồng). Bằng phương pháp tương tự tính toán cho trường hợp Việt Nam thì tổng chi phí tài chính và ô nhiễm của điện than sẽ rơi vào khoảng 10-11 cent/kWh (2.300-4.600 đồng). Với việc các nhà máy điện than ở Mỹ đều có thiết bị kiểm soát ô nhiễm tốt hơn hoặc không được sử dụng ở các nhà máy Việt Nam, không ngạc nhiên khi chi phí ô nhiễm ở Việt Nam cao hơn nhiều lần.
Thêm nữa, chi phí xã hội do ô nhiễm không khí ngày càng hiện rõ qua các năm. Nếu tính tổn thất do bệnh tật và tử vong tăng thêm vì ô nhiễm, thì than sẽ đắt đỏ bậc nhất.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard kết hợp với Tổ chức Greenpeace (Hà Lan) công bố năm 2015 cho thấy việc đốt than sản sinh ra các loại khí có hại (SO2, NOx, hạt bụi PM 2.5), phá hủy tầng ozone và gây ra ô nhiễm không khí. Báo cáo ước tính năm 2011 có 4.300 ca chết yểu ở Việt Nam vì ô nhiễm không khí do đốt than gây ra. Số ca tử vong có thể lên đến gần 16.000 vào năm 2030.
Và còn phải kể đến rủi ro tài chính khi vận hành nhà máy nhiệt than. Việc giảm bớt sự phụ thuộc vào điện than ở Trung Quốc và Ấn Độ khiến các nhà máy rơi vào thua lỗ kể từ năm 2015. Trong khi đó, phải mất đến 3-5 năm để xây dựng nhà máy điện than và thời gian đầu tư là 30-40 năm. Một khi đã bắt đầu xây dựng thì không thể dừng lại. Có thể những nhà máy này sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế.
Giá thành điện than tính thô có thể rẻ nhưng những chi phí xung quanh việc vận hành, xử lý tro xỉ, xử lý ô nhiễm hay những rủi ro tài chính cho thấy đây không phải là nguồn điện có lợi về mặt kinh tế.
Khi một nước có thu nhập từ mức trung bình trở lên, dù là trung bình thấp, thì người dân sẽ bắt đầu có ý thức mạnh mẽ hơn về vấn đề ô nhiễm. Đây có lẽ khó có thể quy thành chi phí hữu hình nhưng cũng làm ảnh hưởng đến sự vận hành của các nhà máy.
Nói tóm lại, giá thành điện than tính thô có thể rẻ nhưng những chi phí xung quanh việc vận hành, xử lý tro xỉ, xử lý ô nhiễm hay những rủi ro tài chính cho thấy đây không phải là nguồn điện có lợi về mặt kinh tế.
Phương án nào khác ngoài điện than?
Với nhu cầu điện lớn và điện than không phải lựa chọn quá có lợi cho nền kinh tế, câu hỏi đặt ra là: nên sản xuất điện từ nguồn nào?
Thời gian trở lại đây, vai trò của thủy điện lớn ngày càng suy giảm bởi những địa điểm tốt để xây thủy điện giờ không còn nhiều. Sử dụng khí đốt tạo ra điện cũng không phải phương án quá khả thi với trường hợp Việt Nam hiện tại. Mặc dù Việt Nam có trữ lượng khí đốt vô cùng dồi dào, công tác thăm dò ngoài khơi đang gặp khó; thêm vào đó là thuế đánh trên khí khai thác ngoài khơi lại tương đối cao.
Sản xuất điện từ năng lượng gió, mặt trời đang là xu thế, và được kỳ vọng giúp hạn chế biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Quy hoạch điện VII sẽ sớm được thay thế bằng Quy hoạch điện VIII vào cuối năm 2018. Quy hoạch hiện tại dự báo năng lượng tái tạo tăng từ 3,7% lên 10,7% trong tổng nguồn điện từ 2016-2030.
Tuy vậy việc sản xuất điện “xanh” có những khó khăn riêng.
Không phải vùng đất nào cũng có thể xây được nhà máy điện gió hay điện mặt trời. Ở Việt Nam, các nhà máy điện gió phần lớn tập trung ở vùng phía Nam, quy trình triển khai hoặc thu hồi đất để làm nhà máy cũng không hề đơn giản.
Không có phương án sản xuất điện nào hoàn hảo, tùy mục tiêu của từng quốc gia, xem xét đến khía cạnh chi phí và trách nhiệm với môi trường để cân nhắc.
Thêm vào đó, chi phí tài chính khi xây dựng, vận hành nhà máy năng lượng tái tạo đắt đỏ và huy động vốn, xin vay từ ngân hàng khó khăn. Nếu Việt Nam quyết định sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như các nước khác đang làm, thì phải tìm cách để ký các hợp đồng thu hút vốn quốc tế và tận dụng lợi ích vốn vay dài hạn cùng lãi suất thấp, ít nhất là từ các ngân hàng xuất nhập khẩu. Điện gió và điện mặt trời hiện nay cần phải đấu nối vào lưới điện quốc gia chứ chưa hòa thẳng như điện từ than hay thủy điện.
Đương nhiên, không có phương án sản xuất điện nào hoàn hảo, tùy mục tiêu của từng quốc gia, xem xét đến khía cạnh chi phí và trách nhiệm với môi trường để cân nhắc.
“Gót chân Asin” của ngành điện
Giá bán điện ở Việt Nam quá thấp. Giá điện bán lẻ (cent/kWh) của Việt Nam vẫn lần lượt thấp hơn so với của Lào, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Hong Kong, Singapore, Philippines. Đây chính là "gót chân Asin" của mọi quy hoạch phát triển ngành điện ở Việt Nam.
Việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam hiện nay vô cùng kém hiệu quả.
Thời kỳ 2006-2016, Việt Nam sử dụng gấp đôi lượng điện để tạo ra một đơn vị tăng trưởng tương đương các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia. Điều đáng nói, đây đều là những quốc gia có mức độ đô thị hóa cao hơn và tỷ trọng công nghiệp lớn hơn (hai xu hướng phát triển này tiêu thụ điện nhiều hơn).
Điều này cho thấy Việt Nam đang là nước thâm dụng năng lượng cao. Nói cách khác, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam vô cùng kém hiệu quả.
Để khuyến khích hiệu quả năng lượng, lý tưởng nhất chính phủ cần hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tiết kiệm điện và cách sử dụng điện có trách nhiệm hơn, qua đó hãm bớt tốc độ gia tăng tiêu thụ điện của Việt Nam cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/got-chan-asin-cua-nganh-dien-viet-nam-post910917.html