GPMB nhìn từ đại dự án mở rộng QL1
Công tác GPMB hoàn thành sớm là tiền đề đưa đại dự án nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành trước 1,5 năm.
Sau gần 5 năm hoàn thành đại dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đến nay, Bộ GTVT mới triển khai một công trình tầm cỡ quốc gia với mục tiêu xây dựng 654,3km đường cao tốc trên trục Bắc - Nam.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công trình này có nguy cơ bị đe dọa bởi công tác GPMB của các địa phương đang chậm.
Ngay từ cuối tháng 5/2019, toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT bàn giao cho chính quyền 13 địa phương nơi dự án đi qua làm cơ sở để đo đạc, kiểm đếm, đền bù, thu hồi đất. Đến nay, kết quả tổng hợp từ Bộ GTVT cho thấy, trong tổng số 653,6km (khoảng 3.736ha đất) mặt bằng cần thu hồi, chính quyền các địa phương mới bàn giao được 166km (đạt khoảng 25%). Con số đạt được quá thấp so với kế hoạch hoàn thành bàn giao toàn bộ phần đất nông nghiệp (chiếm 90% diện tích mặt bằng cần giải phóng) trước ngày 31/12/2019, dẫn tới mục tiêu giải phóng xong toàn bộ mặt bằng cao tốc Bắc - Nam trước ngày 30/6/2020 khó khả thi.
Nhìn lại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước đây, chỉ mất khoảng hơn 1 năm từ giữa năm 2013 đến cuối năm 2014, các địa phương đã cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng kéo dài 1.500km qua 22 tỉnh, thành. Tổng diện tích đất cần thu hồi lên đến 2.380ha, khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, gần 5.300 hộ phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung.
Công tác GPMB hoàn thành sớm tạo tiền đề không thể tốt hơn để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa đại dự án nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành trước 1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội; đồng thời tiết giảm hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí đầu tư.
Thành công trong GPMB của dự án mở rộng QL1 đến từ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Thời điểm đó, Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Thường trực đảm nhiệm phụ trách công tác GPMB cho dự án. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cũng thường xuyên có mặt tại hiện trường và sẵn sàng cùng nhau ngồi lại họp bàn để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đền bù GPMB.
Ở địa phương, hình ảnh các bí thư, chủ tịch tỉnh đội nắng, dầm mưa đến từng nhà dân vận động, đối thoại nhằm tháo gỡ các điểm “nóng” trở nên rất phổ biến. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được làm tốt, vốn phục vụ GPMB được ưu tiên hàng đầu, giải quyết sớm để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống… cũng góp phần tạo ra thành công trong công tác đền bù GPMB của đại dự án này.
Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cũng đã vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số tỉnh, thành, chưa thực sự tích cực vào cuộc GPMB. Dù tác động của từ kết quả GPMB đạt thấp hiện chưa tác động nhiều đến tiến độ xây dựng các công trình, nhưng việc chính quyền một số nơi tiếp tục thờ ơ, đủng đỉnh, nguy cơ một số dự án cao tốc Bắc - Nam vỡ trận ngay từ khâu giải phóng mặt bằng trong thời gian tới là hiện hữu.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gpmb-nhin-tu-dai-du-an-mo-rong-ql1-d453082.html