GRDP của Hà Nội 9 tháng đầu năm tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước

Sáng 30-9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.

Thực hiện phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả

Trình bày Báo cáo của UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, TP đã triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của HĐND TP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

TP đã chủ động, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban chỉ đạo của TP nắm chắc tình hình, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, sát sao công tác phòng, chống dịch theo các cấp độ, kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh.

9 tháng qua, việc thực hiện phòng chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP hiệu quả. Lũy kế trên địa bàn TP có 164 ca nhiễm, trong đó 44 ca nhiễm sau ngày 25-7. Đến nay, đã 44 ngày không ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng, đại dịch cơ bản được khống chế. TP đã thiết lập trạng thái “bình thường mới” và tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì phát triển trong các tháng cuối năm.

Trong quý 3, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,05%, gấp 1,16 lần mức tăng của cả nước, cao hơn quý 2 (tăng 2,41%), thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GRDP tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước. TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, rà soát, giãn, hoãn thuế cho DN.

Quý 3 toàn TP có 7.100 DN được thành lập, lũy kế 9 tháng có 19.727 DN thành lập mới. Chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát tốt, tháng 9 tăng 0,2% so với tháng 8 và bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,3% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN ước thực hiện quý 3 là 50.027 tỷ đồng… Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP.

Công tác điều hành tài chính, ngân sách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách, đảm bảo nguồn vốn chi đầu tư phát triển và phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban. Ảnh: Viết Thành

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban. Ảnh: Viết Thành

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả

Từ đầu năm đến nay, TP đã hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội (254.404 m2 sàn, 1.860 căn hộ), 38 dự án nhà ở thương mại (3.083.652 m2 sàn, 23.333 căn hộ) và 13 dự án nhà ở thương mại đang triển khai theo cơ chế đặt hàng; quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội. Đã hoàn chỉnh cơ chế đặc thù để cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở chung cư cũ trên địa bàn TP báo cáo Bộ Xây dựng. Dự kiến diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2020 đạt 27,25 m2/người (năm 2019 đạt 27,09 m2/người. Đồng thời, TP đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai của 36 dự án nhà ở với tổng số 19.451 căn nhà, tương ứng khoảng 1.603.007 m2 sàn kinh doanh.

Về cải cách hành chính, TP tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. TP đã phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đối với 231 trường hợp.

TP cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền, đưa thông tin pháp luật tới người dân được xây dựng đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, tổ chức hiệu quả, an toàn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. 100% người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ. Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT và khai giảng năm học mới 2020-2021 diễn ra an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19...

Mục tiêu tăng trưởng quý IV từ 5,0% trở lên

3 tháng cuối năm, căn cứ xu hướng sản xuất, kinh doanh, TP đặt mục tiêu tăng trưởng quý IV từ 5,0% trở lên (để đảm bảo tăng trưởng cả năm dự kiến cao gấp 1,3 lần cả nước) với kịch bản dịch Covid-19 trong cả nước được kiểm soát, không có ca nhiễm trong cộng đồng, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch.
TP xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP; tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp còn lại tại Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 9-1-2020 của UBND TP; Hoàn thành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025; xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định cho thời kỳ ổn định ngân sách mới giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục rà soát, cắt giảm và rút ngắn các thủ tục hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ các cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến người dân, DN, nhất là cấp huyện; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn không đúng quy định.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện đã kiến nghị nhiều nội dung với lãnh đạo TP. Đại diện các quận, huyện đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; bổ sung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm; đề xuất TP tập trung hỗ trợ kinh phí để xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; kích cầu du lịch của TP; hỗ trợ DN...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh kết quả kết kinh tế - xã hội 9 tháng của TP đạt được khá là tốt đẹp so với tình hình khó khăn do đại dịch và mặt bằng chung của cả nước.

Qua ý kiến các đại biểu của quận huyện, TP cơ bản tán thành với báo cáo của UBND TP. Trên cơ sở các ý kiến, UBND TP cần hoàn thiện báo cáo, nêu bật những tồn tại yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân, sau đó gửi cho các quận, huyện, Sở ngành, để Thường vụ cấp ủy các quận, huyện, Sở, ngành dành thời gian đọc để biết trong thành tích chung của TP, các đơn vị đã đóng góp được gì, điều gì còn yếu kém. Từ đó, cấp ủy các quận, huyện, Sở, ngành xây dựng kế hoạch hành động của đơn vi mình, tạo chuyển biến căn bản.

Về thể chế, Bí thư Thành ủy yêu cầu cần quan tâm Nghị định về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp phường; cần có Đề án về triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về cơ chế ngân sách đặc thù; Rà soát lại các qui định còn bất cập để kiến nghị, xử lý; tăng cường CCHC, ứng dụng CNTT; chăm lo các chính sách an sinh xã hội...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu UBND TP xây dựng, ban hành kế hoạch các nhiệm vụ giải pháp quan trọng trong quý 4, nêu rõ cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp và khi nào hoàn thành; Tiếp tục triển khai 5 đoàn kiểm tra, giám sát, trong đó tăng cường kiểm tra giám sát về công chức, công vụ, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, kiện toàn nhân sự ở các địa phương, tăng cường kỷ luật kỷ cương; Giảm bớt thanh tra, kiểm tra vụ việc, tránh trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra kinh tế, không để chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, địa phương.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/grdp-cua-ha-noi-9-thang-dau-nam-tang-327-gap-154-lan-muc-tang-cua-ca-nuoc-211968.html